Giàng A Lầu là học sinh duy nhất tại điểm trường vùng cao lọt vào vòng chung kết Trạng nguyên tiếng Anh toàn quốc 2025 diễn ra tại trường Trung học phổ thông chuyên Hùng Vương (Phú Thọ) vào tối 12/7.
Đó là một hành trình kéo dài gần hai năm, bắt đầu từ những buổi học trực tuyến giản dị, cho đến ngày em tự tin bước lên sân khấu ở thành phố Hải Phòng, nói tiếng Anh lưu loát và dõng dạc trước hàng trăm thí sinh trên khắp cả nước.

Bản Mù là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Trạm Tấu (cũ), tỉnh Yên Bái (cũ). Nhà của Giàng A Lầu nằm lọt thỏm giữa núi rừng, cách trường học gần hai tiếng đi bộ đường núi. Mỗi chiều chủ nhật, em rời nhà để kịp tới lớp nội trú, và mỗi trưa thứ sáu lại lặng lẽ quay về.
Gia đình A Lầu có 3 anh em, bố đi làm thuê, mẹ làm nương, cuộc sống vất vả nhưng A Lầu luôn cố gắng tự học, tự giác và chăm chỉ.
Khi Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố (phường Lê Chân, thành phố Hải Phòng) bắt đầu triển khai dự án “Dạy học tiếng Anh trực tuyến cho học sinh vùng cao”, A Lầu khi ấy đang học lớp 4, là một cậu bé ít nói, trầm tính, nhút nhát và gần như không có kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh.
Tuy nhiên, từ những buổi học đầu tiên, em luôn ngồi học nghiêm túc, không hiếu động như các bạn, và đặc biệt có khả năng ghi nhớ từ vựng, mẫu câu rất tốt.
Cô Mai Thị Nguyệt Anh, giáo viên tiếng Anh của Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố chia sẻ: “Ban đầu, khi mới dạy trực tuyến cho học sinh Bản Mù, tôi khá lo lắng vì các con rất rụt rè, hỏi gì cũng chỉ gật hoặc lắc. Các em được học tiếng Anh, nhưng thời lượng ít, nền tảng chưa được đầy đủ.
Nhưng sau vài buổi học, đặc biệt nhờ áp dụng các trò chơi tương tác, không khí lớp học dần sôi động hơn. Trong số đó, Lầu nổi bật vì rất chăm chú, ghi nhớ bài cũ cực tốt, dù em vẫn ít nói hơn các bạn.”
Kết thúc học kỳ đầu, A Lầu đã có thể đọc được các câu dài hơn so với mặt bằng chung của lớp. Đến lớp 5, trong khi nhiều bạn bắt đầu nói được câu 4 - 5 từ, thì A Lầu đã có thể đọc được cả đoạn văn ngắn bằng Tiếng Anh một cách lưu loát.
Sự tiến bộ rõ rệt và niềm yêu thích đặc biệt với Tiếng Anh đã đưa A Lầu đến với cuộc thi Trạng nguyên tiếng Anh toàn quốc năm 2025. Trong suốt quá trình ôn luyện, hai cô trò chỉ có đúng hai buổi tối luyện thi online, nhưng em đã thể hiện sự chủ động, tập trung và khả năng tiếp thu rất tốt.
Để chuẩn bị kỹ hơn, cô Nguyệt Anh đã đón A Lầu xuống Hải Phòng 10 ngày, giúp em làm quen với môi trường học sinh giỏi ngoại ngữ, ôn luyện kỹ năng thi và rèn sự tự tin.
Những ngày đầu, A Lầu vẫn rụt rè, chỉ khẽ nói “vâng” khi được hỏi. Nhưng sau vài ngày, em đã hòa nhập rất nhanh, biết đặt câu hỏi, biết phản biện, và đặc biệt là thể hiện sự tiến bộ vượt bậc khi làm việc nhóm cùng các bạn thành phố.
“Tôi thực sự xúc động khi nhìn thấy em đứng trên sân khấu thi, nhảy cùng bạn bè, phát âm chuẩn và thể hiện rõ ràng. Em không chỉ nói tiếng Anh tốt mà còn biết thể hiện cảm xúc. Lúc em chạy từ sân trường lại, gọi thật to "Cô ơi!' rồi đập tay mạnh mẽ với tôi, tôi biết rằng em đã thực sự vượt qua chính mình", cô Nguyệt Anh kể lại.
Tại vòng chung kết Festival Trạng nguyên tiếng Anh toàn quốc năm 2025 diễn ra tại tỉnh Phú Thọ, Giàng A Lầu không giành giải cao nhất nhưng được vinh danh với danh hiệu “Trạng nguyên tích cực”, ghi nhận sự nỗ lực, ý chí học tập và tinh thần cầu tiến của em. Với thầy cô và những người đã đồng hành cùng em, đó là phần thưởng xứng đáng cho một hành trình đầy cảm xúc.
Cô Nguyệt Anh chia sẻ: “Dạy học sinh đạt giải là niềm vui, nhưng được chứng kiến học trò như A Lầu từ rụt rè, e ngại với tiếng Anh và bứt phá tốt như vậy thì với tôi đó là hạnh phúc lớn nhất. A Lầu thông minh, cẩn thận, chăm chỉ và rất kiên trì. Tôi tin rằng giải thưởng hôm nay và mùa hè đáng nhớ ở Hải Phòng sẽ mở ra nhiều cánh cửa cho con và cả những học sinh khác ở quê hương con.”
Giàng A Lầu từng chia sẻ với cô giáo rằng ước mơ sau này của em là được trở thành bác sĩ. Hy vọng với hành trình học tập từ Bản Mù đến Hải Phòng, giáo dục sẽ là con đường tốt nhất giúp Lầu thực hiện ước mơ của mình.