Theo Khoản 2 Điều 77 của Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định, cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Tại Khoản 1 Điều 75 của Luật này, chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân phải được phân loại như sau: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; Chất thải thực phẩm; Chất thải rắn sinh hoạt khác. Hành vi không phân loại rác theo quy định sẽ bị xử phạt từ 15 - 20 triệu đồng (theo khoản 4 Điều 20 của Nghị định 155/2016/NĐ-CP).

Ngoài ra, Luật Bảo vệ môi trường 2020 còn quy định, việc tính phí rác thải sinh hoạt theo khối lượng rác. Khoản 1 Điều 79 của Luật này về chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt nêu rõ, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân được tính toán theo nhiều căn cứ trong đó có dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại.
Dù 1/1/2022 Luật Bảo vệ môi trường chính thức có hiệu lực song theo khoản 7 Điều 79 của Luật này, tùy từng địa phương, quy định tính phí rác thải theo kg có thể được áp dụng ở các thời điểm khác nhau, kể từ 1/1/2022 và chậm nhất là 31/12/2024.
Việc thực hành phân loại rác thải đóng vai trò quan trọng trong công tác quản lý chất, góp phần giảm thiểu nguy cơ phát tán các tác nhân gây bệnh, các yếu tố độc hại, nguy hiểm. Phân loại đúng còn góp phần tiết kiệm tài nguyên, giảm chi phí cho công tác thu gom và xử lý rác thải.

Phân loại rác thải chính là cách để mỗi chúng ta có thể đóng góp một phần nhỏ bé vào chu trình kiến tạo môi trường xanh cho Trái Đất. Rác thải hiện nay được chia thành 03 loại chính là Rác hữu cơ, Rác vô cơ và Rác tái chế. Trong đó:
- Rác hữu cơ: Là loại rác dễ phân hủy và có thể tái chế để đưa vào sử dụng cho việc chăm bón và làm thức ăn cho động vật. Nó có nguồn gốc từ phần bỏ đi của thực phẩm sau khi đã lấy đi phần chế biến được làm thức ăn cho con người; phần thực phẩm thừa hoặc hư hỏng không thể sử dụng cho con người; các loại hoa, lá cây, cỏ không được con người sử dụng sẽ trở thành rác thải trong môi trường.
- Rác vô cơ: Là những loại rác không thể sử dụng được nữa cũng không thể tái chế được mà chỉ có thể xử lý bằng cách mang ra các khu chôn lấp rác thải. Nó bắt nguồn từ các loại vật liệu xây dựng không thể sử dụng hoặc đã qua sử dụng và được bỏ đi; các loại bao bì bọc bên ngoài hộp/chai thực phẩm; các loại túi nilon được bỏ đi sau khi con người dùng đựng thực phẩm và một số loại vật dụng/thiết bị trong đời sống hàng ngày của con người.
- Rác tái chế: Là loại rác khó phân hủy nhưng có thể đưa vào tái chế để sử dụng nhằm mục đích phục vụ cho con người. Ví dụ như các loại giấy thải, các loại hộp, chai, vỏ lon thực phẩm bỏ đi,...

Hãy bắt đầu thực hiện việc phân loại rác ngày từ hôm nay để góp phần bảo vệ môi trường, tận dụng tối đa nguồn tài nguyên rác thải và gìn giữ hành tinh xanh của chúng ta nhé!