Dùng nến vệ sinh tai: Bác sĩ Richard Rosenfeld, Trưởng khoa Tai-Mũi-Họng tại Trung tâm Y khoa Downstate SUNY, New York (Mỹ), cho biết chưa có bằng chứng khoa học cụ thể nào về hiệu quả của phương pháp này. Thậm chí, các loại nến này còn có thể gây tổn hại cho tai như bỏng, đau rát hoặc thủng màng nhĩ.
Nghe nhạc quá to: Nhiều người gặp vấn đề về thính giác do tiếp xúc với âm thanh quá lớn. Theo bác sĩ Richard, tai nghe có khả năng gây tổn thương cho đôi tai. Nếu những người xung quanh có thể nghe được âm thanh phát ra từ tai nghe, bạn đang nghe nhạc quá to.
Ngoáy tai bằng ngón tay: Thói quen này gây nhiều nguy hại hơn chúng ta tưởng bởi móng tay thường chứa nhiều vi khuẩn gây nhiễm trùng. Nếu bạn đang bị bệnh tiểu đường nguy cơ lây nhiễm sẽ tăng cao. Bệnh tiểu đường sẽ cản trở dòng chảy của máu đến tai. Các chất chống viêm trong máu không được sản sinh để ngăn ngừa vi khuẩn ở bộ phận này.
Xỏ nhiều khuyên tai: Nhiều người được bố mẹ xỏ khuyên tai từ khi còn nhỏ. Tuy nhiên, các chuyên gia sức khỏe không đồng ý với hành động này. Xỏ khuyên sẽ khiến teen đối mặt với nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao, đặc biệt là sử dụng những dụng cụ hoặc loại khuyên kém chất lượng, không được tiệt trùng đúng cách.
Không khám tai khi có vấn đề: Bác sĩ Richard khuyên các teen nên đi khám tai khi gặp bất cứ vấn đề gì khác thường như đau, khả năng nghe giảm sút. Đau tai còn cảnh báo vấn đề ở các bộ phận khác như hàm, răng và cổ họng vì chúng đều có liên hệ với dây thần kinh ở tai. Ung thư cổ họng có thể gây ra những cơn đau tai dai dẳng.
Đưa các vật dụng vào tai: Một số người có thói quen ngoáy tai bằng mọi vật như đầu bút, ghim giấy, tăm bông, que nhọn... Tất cả đều tác động mạnh vào tai, gây đau, tổn thương và tăng nguy cơ nhiễm trùng. Vì vậy, bác sĩ Richard khuyến cáo mọi người không cho những vật nhỏ vào trong tai.
Theo Zing
Ảnh: Prevention