Việc đưa âm nhạc vào chương trình học như một môn học chính thức không chỉ đơn thuần nhằm phát triển năng khiếu, sở thích hay đam mê của học sinh, mà còn đóng góp tích cực vào việc rèn luyện nhiều kỹ năng cần thiết, phù hợp với tâm lý và năng lực đặc thù ở lứa tuổi này.
Âm nhạc giúp học sinh Tiểu học phát triển khả năng biểu diễn trước công chúng, từ đó tăng cường sự tự tin trong giao tiếp. Ở lứa tuổi này, học sinh đang trong giai đoạn hình thành nhân cách và phát triển khả năng thể hiện bản thân. Việc được hát, được biểu diễn trên sân khấu hay chơi nhạc cụ trong giờ học âm nhạc sẽ giúp các em vượt qua rụt rè, e ngại – những đặc điểm tâm lý phổ biến của trẻ nhỏ, đồng thời tạo điều kiện để các em làm quen với việc kiểm soát cảm xúc và phản xạ nhanh trước đám đông. Đây là nền tảng quan trọng để các em phát triển kỹ năng giao tiếp – một trong những kỹ năng mềm cần thiết trong học tập và cuộc sống sau này.

Bên cạnh đó, âm nhạc còn góp phần rèn luyện tính kiên nhẫn và kỷ luật ở học sinh. Để hát đúng nhạc, chơi đúng nhịp hay sử dụng thành thạo một nhạc cụ, các em cần luyện tập thường xuyên và làm theo hướng dẫn của giáo viên. Quá trình này giúp các em rèn luyện khả năng tập trung, kiên trì theo đuổi mục tiêu – những phẩm chất quan trọng mà trẻ cần xây dựng từ sớm. Đặc biệt, với học sinh Tiểu học – đối tượng thường hiếu động, thiếu kiên nhẫn thì âm nhạc sẽ là phương tiện nhẹ nhàng nhưng hiệu quả giúp hình thành và củng cố tính tự giác và kỷ luật.
Ngoài ra, âm nhạc còn là phương tiện tuyệt vời để học sinh thể hiện cảm xúc và giải tỏa căng thẳng. Những giờ học âm nhạc nhẹ nhàng, sinh động giúp các em thư giãn tinh thần, khơi dậy sự sáng tạo và giữ được niềm vui đến trường – điều vô cùng quan trọng trong giáo dục Tiểu học, nơi cảm xúc tích cực đóng vai trò then chốt trong việc tiếp nhận kiến thức.

Để môn Âm nhạc thực sự phát huy hiệu quả trong giáo dục Tiểu học, vai trò của giáo viên hết sức quan trọng. Giáo viên không chỉ cần vững chuyên môn mà còn phải thấu hiểu tâm lý, kỹ năng và năng lực đặc thù của từng học sinh. Việc lựa chọn phương pháp giảng dạy phù hợp, biết khích lệ, động viên đúng lúc và tạo môi trường học tập tích cực sẽ giúp các em phát huy tối đa tiềm năng của bản thân trong môn học này.
Nguyễn Thị Hồng Thắm
GV Trường Tiểu học TT Đức Thọ, Hà Tĩnh