Chiều 28/5, Tiểu ban điều trị, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thông báo ca tử vong số 47. Đây là cô gái 22 tuổi trú tại tại thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Bệnh nhân được chuẩn đoán nhiễm nấm huyết trên bệnh nền suy tủy xương (giảm 3 dòng) trước khi nhiễm COVID-19.
Cô rơi vào tình trạng sốc nhiễm trùng và tử vong lúc 21h48' ngày 27/5, chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn, nhiễm nấm huyết trên bệnh nền suy tủy xương, nhiễm SARS-CoV-2. Đây là bệnh nhân COVID-19 trẻ nhất tử vong từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện tại nước ta.
Vậy căn bệnh suy tuỷ xương là gì và nguy hiểm thế nào?
Suy tủy xương là tình trạng chức năng tủy xương bị suy giảm, được biểu hiện như giảm hồng cầu, bạch cầu hạt và tiển cầu trong máu, đồng thời tủy xương bị thay thế bằng mô mỡ và giảm các tế bào đầu dòng tạo máu.
Ở nước ta, bệnh suy tủy chiếm xuất độ thứ ba trong các bệnh lý về máu và hệ tạo máu, sau ung thư máu cấp và xuất huyết giảm tiểu cầu. Tỉ lệ bệnh cao nhất ở tuổi 15-25, kế đến là 65-69 tuổi. Tỉ lệ bệnh tương đương giữa nam và nữ.
Suy tủy xương là bệnh lý nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh. Các biểu hiện của suy tủy có thể diễn tiến từ từ và phụ thuộc vào mức độ nặng của bệnh bao gồm:
- Các triệu chứng thiếu máu như xanh xao, mệt mỏi, khó thở,... Thiếu máu xảy ra từ từ ngày càng nặng và khó hồi phục bằng truyền máu.
- Giảm bạch cầu hạt: có thể có sốt hoặc nhiễm khuẩn
- Rối loạn tiểu cầu: các triệu chứng xuất huyết do giảm tiểu cầu như xuất huyết dưới da, chảy máu niêm mạc răng miệng, rong kinh,...
70% nguyên nhân dẫn đến suy tuỷ xương không rõ nguyên nhân là do các đột biến gen có tính nhạy cảm, còn lại do các nguyên nhân di truyền hoặc mắc phải như:
- Do thuốc: thuốc giảm đau, kháng viêm, hạ áp, chống loạn nhịp, kháng giáp hoặc kháng sinh (đặc biệt là chloramphenicol)
- Do hóa chất: benzene, hydrocarbon có gắn clo, phosphate hữu cơ
- Nhiễm siêu vi: Epstein-Barr, siêu vi viêm gan, Parvovirus, HIV
- Các rối loạn tự miễn: bệnh tuyến giáp, lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp
Nhìn chung, suy tủy xương thể nặng có tỷ lệ tử vong khoảng 25% trong 4 tháng đầu và 50% trong vòng 1 năm nếu bệnh nhân không được ghép tủy. Trong trường hợp ghép tế bào gốc thì tỷ lệ đáp ứng rơi vào khoảng 70%. Ngoài ra, điều trị thuốc ức chế miễn dịch cũng có thể cho kết quả tương tự ghép tủy trong suy tủy vô căn nhưng sau 10 năm có đến 40% bệnh nhân tiến triển thành bệnh đái huyết sắc tố kịch phát ban đêm, rối loạn sinh tủy và bạch cầu cấp dòng tủy. Chính vì những ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đến chức năng sinh lý và hoạt động của cơ thể nên suy tủy xương cần phải được phát hiện sớm và điều trị kịp thời để cải thiện khả năng sống, điều trị triệt để cho bệnh nhân.