Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như vậy, nguy cơ người dân gặp phải tình trạng say nắng, sốc nhiệt đang ở mức cao và cần được nhận diện, phòng tránh kịp thời. Đặc biệt lưu ý dành cho các bạn thí sinh đang chuẩn bị bước vào kỳ thi vào lớp 10 và các bạn sắp thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Say nắng (còn gọi là sốc nhiệt do nhiệt độ môi trường cao) là tình trạng thân nhiệt tăng nhanh, mất khả năng điều hòa, dẫn đến suy chức năng các cơ quan. Người bị say nắng thường có các biểu hiện như chóng mặt, nhức đầu, hoa mắt, buồn nôn, mệt mỏi, da đỏ bừng, tim đập nhanh, thậm chí có thể ngất xỉu, hôn mê nếu không được xử lý kịp thời. Đối tượng dễ bị ảnh hưởng là người lao động ngoài trời, học sinh, người cao tuổi, trẻ nhỏ và người có bệnh lý nền.

Theo các chuyên gia y tế, tình trạng sốc nhiệt rất nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng nếu không được phát hiện sớm. Trong điều kiện nắng nóng kéo dài, nền nhiệt ngoài trời có thể cao hơn nhiều so với nhiệt độ dự báo, đặc biệt trên mặt đường bê tông hoặc trong các không gian kín như xe ô tô đóng cửa, phòng không thoáng khí.
Đặc biệt, trong thời điểm các sĩ tử đang chuẩn bị bước vào kỳ thi chuyển cấp quan trọng, thời tiết nắng nóng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần và phong độ làm bài.
Cảnh báo dành riêng cho học sinh thi tốt nghiệp:
Không nhịn ăn sáng để tránh tụt huyết áp và mệt mỏi trong lúc thi. Ưu tiên ăn nhẹ, dễ tiêu như bánh mì, cháo, sữa, trái cây.
Đến điểm thi sớm hơn giờ quy định ít nhất 30 phút để tránh vội vã trong thời tiết oi bức, đồng thời có thời gian nghỉ ngơi trước khi vào phòng thi.
Mang theo nước uống cá nhân, bổ sung đầy đủ nước trước và sau khi thi, tránh để cơ thể mất nước trong thời gian dài.

Chọn trang phục mỏng, thoáng mát, đội mũ rộng vành khi di chuyển ngoài trời.
Phụ huynh cần chú ý đón con sớm sau khi thi, tránh để các em đứng chờ ngoài trời nắng quá lâu.
Khi có dấu hiệu chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, tức ngực, cần báo ngay với giám thị, giáo viên điểm thi để được hỗ trợ y tế kịp thời.
Để phòng tránh say nắng, sốc nhiệt, người dân cần lưu ý:
Hạn chế ra ngoài trời trong khung giờ nắng gắt (từ 10h đến 16h). Nếu bắt buộc phải đi, cần đội nón rộng vành, đeo kính mát, mặc quần áo sáng màu, nhẹ, thoáng mát và sử dụng kem chống nắng.
Uống đủ nước, tránh để cơ thể mất nước kéo dài. Ưu tiên nước lọc, nước điện giải, nước trái cây tươi, tránh uống nhiều nước đá lạnh hoặc đồ uống có cồn.
Không để trẻ nhỏ và người già ở trong xe ô tô đóng kín cửa, nơi bí gió hoặc phơi nắng quá lâu.
Bổ sung dinh dưỡng hợp lý với thực phẩm dễ tiêu hóa, tăng cường rau xanh và hoa quả để hỗ trợ cơ thể chống lại nhiệt độ cao.
Theo dõi các dấu hiệu bất thường của cơ thể như nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, khát nhiều, tim đập nhanh… và đưa đến cơ sở y tế kịp thời nếu tình trạng nặng lên.
Nắng nóng cực đoan còn tiếp diễn trong vài ngày tới. Mỗi người dân cần chủ động bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người xung quanh. Cùng nhau nâng cao ý thức phòng tránh say nắng, sốc nhiệt để vượt qua giai đoạn thời tiết khắc nghiệt một cách an toàn.