Ngữ Văn vốn được biết đến là một môn học khó nhằn, nếu như các môn tự nhiên Toán, Lý, Hóa đều có công thức, chỉ cần giải theo là sẽ tìm được đáp án nhưng Ngữ Văn lại không có công thức nào. Môn học này đòi hỏi sự tư duy và lập luận logic, ghi nhớ nhiều kiến thức từ tác giả, tác phẩm, bối cảnh, đến các biện pháp nghệ thuật,... Nếu muốn học tốt, học sinh cần thực sự hiểu được tác phẩm, thay vì chỉ học thuộc lòng lời cô giảng hay các nội dung trong sách giáo khoa, văn mẫu.
Vì có kiến thức trải rộng nên để học tốt môn Văn thì việc tìm ra phương phù hợp và rất quan trọng.
Mới đây, CĐM đã chia sẻ lại câu chuyện học Văn của cô bạn Đào Ngọc Anh (SN 2000), cựu học sinh lớp 12A5, trường THPT Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội. Trong kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2018, Ngọc Anh đã đạt 25,75 ở khối thi D01 với điểm cụ thể từng môn như sau: Toán 8; Văn 8,75 và Tiếng Anh 9. Với số điểm này, Ngọc Anh đã trúng tuyển vào ngành/ nhóm ngành NTH01 (Kinh tế, Kinh tế quốc tế, Luật) của Đại học Ngoại thương.
Với điểm số môn Văn là 8,75 điểm ai cũng nghĩ Ngọc Anh là một học sinh giỏi Văn, hay thậm chí là có trên trong đội tuyển Văn của trường. Tuy nhiên, sự thực lại khác xa hoàn toàn, Ngọc Anh cho biết đã từng trải qua thời gian chật vật với môn Văn, học không vào bởi môn học này quá khó đối với cô bạn. Nhưng sau khi tham gia chương trình "Học sao cho tốt" của VTV7 vào tháng 1/20218 và được ban cố vấn tìm ra nguyên nhân học kém Văn và đưa ra cách khắc phục, Ngọc Anh đã không lo lắng về môn học này nữa.
Cụ thể trong chương trình, Ngọc Anh chia sẻ, đến năm lớp 12, nữ sinh này mới quyết định chuyển từ ban A sang ban D và gặp nhiều khó khăn với môn Văn. Vấn đề đầu tiên cô bạn gặp phải là chuyện học thuộc, thứ hai là về chất Văn.
"Ở trên lớp, thường thì cô giáo sẽ giảng cho chúng mình một mạch. Nếu muốn viết hết được các ý, chúng mình sẽ phải tự ghi lại theo lời của cô thật nhanh. Nếu không, chúng mình sẽ chờ đến khi cô giảng xong, cô cho viết theo bài gợi ý của cô.
Lúc đó chúng mình sẽ viết liền tù tì, rất dài. Điều này khiến mình chán nản. Mình phải gồng mình lên để vào đầu môn Văn và học thuộc nó. Việc học thuộc của mình giống như học vẹt vậy, chỉ đọc to lên và học thôi, cũng không có phương pháp gì", Ngọc Anh kể lại.
Biết được trở ngại của Ngọc Anh, ban cố vấn đã cử cô bạn Lê Thị Như Quỳnh, sinh viên khoa Văn đại học Sư phạm Hà Nội đến đồng hành cùng Ngọc Anh trong việc học. Sau khi trao đổi Như Quỳnh nhận thấy, nữ sinh này ghi chép rất chăm chỉ, chi tiết, có sử dụng cả bút màu, bút nước. Tuy nhiên, đến cuối kỳ khi giở lại cả vở ra để ôn sẽ rất khó nhớ. Vì vậy Quỳnh đã gợi ý cho Ngọc Anh cách ghi chép thông minh hơn. Đó là chỉ ghi chép một bên vở, một bên còn lại để trống, với mục đích hệ thống lại kiến thức thật ngắn gọn khi về nhà ôn tập.
Ngoài ra nữ sinh viên khoa Văn giới thiệu cho Ngọc Anh một số sơ đồ tư duy. Đầu tiên là sơ đồ hình tròn. Với sơ đồ này, ta vẽ một hình tròn trung tâm, ghi nội dung chính của bài, bên cạnh sẽ là những luận cứ, dẫn chứng. Chẳng hạn khi học tác phẩm "Rừng xà nu", vòng tròn ở giữa là "giá trị nhân đạo". Các nhánh xung quanh là những luận điểm chứng minh cho giá trị nhân đạo như như: Cảm thông, tố cáo chế độ thực dân phong kiến,... Từ những luận điểm, này, có thể chia ra các nhánh nhỏ hơn và minh họa bằng hình ảnh.
Thêm một kiểu hệ thống kiến thức khác nữa đó chính là thể hiện dưới dạng chữ Y. Những kiến thức lớn, học sinh có thể dùng sơ đồ này. Ví dụ khi học tác phẩm "Chiếc thuyền ngoài xa", học sinh có thể chia làm 3 nội dung chính cần ghi nhớ gồm: Giá trị nhân đạo, giá trị hiện thực và nghệ thuật thể hiện.
Được giới thiệu khá nhiều sơ đồ tư duy nhưng Ngọc Anh lựa chọn sơ đồ hình ảnh, theo cô bạn đây là cách ghi nhớ kiến thức phù hợp với mình nhất. Việc áp dụng sơ đồ, kết hợp thêm bút màu khiến nữ sinh THPT Cổ Loa ghi nhớ kiến thức dễ hơn, thay vì cuốn vở nhìn vào toàn chữ như trước. Thay đổi phương pháp học đã giúp Ngọc Anh đạt điểm Văn cao trong kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2018.