Cảnh báo tình trạng trẻ chậm phát triển do xem thiết bị có màn hình

Vân Chi
Hiện nay, ngày càng nhiều trẻ em gặp tình trạng chậm phát triển ngôn ngữ ở mức đáng báo động. Các chuyên gia cho biết nguyên nhân chính là sự tiếp xúc quá mức với các thiết bị màn hình.

Thay vì khuyến khích trẻ tương tác như khi nghe kể chuyện, màn hình lại khiến trẻ tiếp nhận thông tin một cách thụ động. Kết quả là nhiều trẻ 6 - 7 tuổi vẫn nói như trẻ 2 tuổi. Trong khi đó, tác động tiêu cực của màn hình rõ ràng đang bị xem nhẹ.

Các chuyên gia tại Bỉ vừa lên tiếng cảnh báo về tình trạng ngày càng nhiều trẻ em gặp khó khăn trong phát triển ngôn ngữ. Nguyên nhân chính được xác định là do trẻ tiếp xúc quá nhiều với các thiết bị màn hình, dẫn đến tiếp nhận thông tin thụ động và thiếu tương tác cần thiết để phát triển kỹ năng giao tiếp.

Tiến sĩ tâm lý học Béatrice Millêtre cho biết, trung bình mỗi lớp học tại Bỉ hiện nay có khoảng hai trẻ bị chậm phát triển ngôn ngữ. Đáng chú ý, nhiều trẻ từ 6-7 tuổi vẫn có khả năng ngôn ngữ tương đương trẻ 2 tuổi. Bác sĩ Audrey Bonnelance, chuyên gia y khoa tại Brussels, nhận định màn hình không hỗ trợ sự phát triển ngôn ngữ, mà ngược lại, còn khiến trẻ hạn chế vận động, chậm phát triển toàn diện và giảm khả năng đọc.

Ngoài ra, việc sử dụng thiết bị điện tử quá mức còn dẫn đến hàng loạt vấn đề khác như rối loạn cảm xúc, mất ngủ, khó kiểm soát hành vi và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, huyết áp cao, tiểu đường. Theo nghiên cứu, độ tuổi trung bình trẻ bắt đầu biết đi đã tăng từ 12 tháng lên 18 tháng, được cho là có liên quan đến tình trạng hạn chế vận động do trẻ quá tập trung vào màn hình.

Tổ chức ONE (Bỉ) khuyến cáo trẻ dưới 3 tuổi không nên sử dụng thiết bị màn hình, bởi ánh sáng xanh từ các thiết bị này có thể gây khó ngủ, dẫn đến tình trạng thiếu ngủ kéo dài. Các chuyên gia cũng khuyến nghị ngừng sử dụng màn hình ít nhất một giờ trước khi đi ngủ để đảm bảo chất lượng giấc ngủ của trẻ.

Để giải quyết vấn đề, các chuyên gia kêu gọi phụ huynh và nhà trường cần hợp tác chặt chẽ, hạn chế thời gian trẻ tiếp xúc với màn hình và khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời, phát triển kỹ năng giao tiếp và ngôn ngữ. Sự phát triển toàn diện của trẻ chỉ có thể đạt được khi trẻ được trải nghiệm nhiều hoạt động phong phú, thay vì lệ thuộc vào thiết bị công nghệ.

Tình trạng trẻ chậm phát triển ngôn ngữ là hồi chuông cảnh báo, đòi hỏi sự thay đổi nhận thức từ cộng đồng để bảo vệ tương lai của thế hệ trẻ.

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Cảnh báo tình trạng trẻ chậm phát triển do xem thiết bị có màn hình tại chuyên mục Tư Vấn - Chia Sẻ của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Tư Vấn - Chia Sẻ khác

Lần đầu tiết lộ “gien tối” ẩn trong DNA con người

Các nhà khoa học vừa khám phá hàng chục ngàn "gien tối" trong bộ gen người – những đoạn DNA bí ẩn chưa từng được biết đến. Những gien này có thể liên quan đến nhiều bệnh lý và làm thay đổi hiểu biết của chúng ta về sức khỏe con người.