Cánh thư từ Trường Sa

Nguyễn Thị Quỳnh Anh
Chiều đi học về, tôi nghe cô bưu tá trong Khu tập thể Tổng cục Chính trị bảo: - Quỳnh Anh có thư gửi từ Trường Sa về nhé!

Tôi cảm ơn cô bưu tá rối rít rồi chạy một mạch về nhà. Hơn một năm nay, rất nhiều những cánh thư đã đi và về, vượt ngàn sóng gió để tới Trường Sa, nơi có người thầy giáo đáng kính của tôi ở đó.

Cầm lá thư trên tay, tôi không vội mở ngay mà hít hà, lật đi lật lại ngắm nghía. Mọi ký ức về thầy giáo, về ngôi trường Tiểu học thị trấn Trường Sa của huyện đảo Trường Sa, Khánh Hòa lại hiện về trong tôi.

Bố tôi là bộ đội Hải quân. Năm tôi học lớp 2, bố mẹ tôi bảo nhà mình sẽ chuyển ra Trường Sa ở hai năm theo Nghị quyết của Bộ Chính trị về việc xây dựng “gia đình Trường Sa”. Khi đó, tôi cũng chẳng biết Trường Sa ở đâu, chỉ nghĩ đơn giản bố mẹ ở đâu thì tôi ở đó. Gia đình tôi bồng bế nhau lên con tàu 571 của Quân chủng Hải quân để ra đảo Trường Sa sinh sống. Chuyến đi lênh đênh bốn ngày ba đêm trên biển, tôi và mẹ say sóng không biết gì, lưng dán chặt xuống sàn tàu. Tôi không nhớ nổi chúng tôi đã nôn bao nhiêu lần mới ra tới đảo. Mỗi lần nhắm mắt, biển xa nghìn trùng, những ánh sáng bạc đầu mải miết trôi, rì rầm lại hiện ra trong tâm tưởng của tôi.

Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa nơi tôi học nằm gọn giữa những hàng cây phong ba, cây bàng vuông chắn gió, chắn cát. Lớp học được xây kiên cố, đảm bảo cho học trò tới lớp bất kể ngày bình thường hay khi giông bão. Nhưng việc học ở đây không hề đơn giản. Mọi thứ khác hoàn toàn với trường học trong đất liền của tôi. Thầy giáo của tôi tên là Bành Hữu Tình. Thầy có nụ cười hiền khô, vừa dạy các con học, vừa hướng dẫn các con chơi và cùng các con tham gia các giờ học ngoại khóa.

Tôi vẫn nhớ như in buổi học đầu tiên của tôi ở đảo Trường Sa. Lớp học có cả các anh chị lớp 5 và cả các em mầm non lớp mẫu giáo. Sau khi mở đầu buổi học bằng những bài hát về biển, đảo quê hương, thầy Tình bắt đầu hướng dẫn nội dung bài học cho các em học sinh. Hết giảng Toán cho bạn này lại quay sang dạy bạn khác làm Tiếng Việt, rồi hướng dẫn bạn nhỏ hơn cách tô màu… Có lúc đang dạy các anh chị lớn, thầy lại phải dỗ dành một em bé mẫu giáo khóc do chưa quen trường, lớp. Thỉnh thoảng, chúng tôi giơ tay thưa: “Thầy ơi con đói bụng”, “Thầy ơi con khát nước”, “Thầy ơi con nhớ bà nội của con trong đất liền”… Vất vả là vậy nhưng thầy luôn tìm cách đáp ứng tốt nhất mong muốn của đám học sinh chúng tôi, lớp học khi nào cũng tràn ngập tiếng cười.

Thầy Tình thường xuyên cập nhật kiến thức, tổ chức giảng dạy dưới nhiều hình thức phù hợp với điều kiện thực tế ở đảo, tạo tâm lý hứng thú học tập cho học sinh chúng tôi. Các buổi ngoại khóa như vui chơi, văn nghệ, thăm chùa, thăm đơn vị bộ đội, kể chuyện về lịch sử… cũng được tổ chức thường xuyên với sự tham gia hỗ trợ của các lực lượng trên đảo để giúp học sinh tự tin trong giao tiếp, hình thành kỹ năng làm việc nhóm…

Ngoài học chữ, học sinh ở thị trấn Trường Sa chúng tôi còn được những người lính Hải quân huấn luyện thể chất như hướng dẫn tập thể dục nâng cao sức khỏe, tổ chức các trò chơi vận động, tham gia một số hoạt động như chào cờ Tổ quốc trước cột mốc chủ quyền, vui chơi, đón khách từ đất liền ra thăm, hát múa cùng bộ đội ở đảo. Cứ mỗi lần có tàu ra đảo, trường chúng tôi lại nhận được những món quà chứa đựng tình cảm thân thương gửi về từ mọi miền Tổ quốc. Những giây phút nhớ nhà, nhớ đất liền cũng dần bớt đi...
“Quỳnh Anh yêu quý của thầy! Kết thúc học kỳ I của lớp 6 rồi, con đã thích nghi được với trường học mới chưa con? Thầy và các em ở đảo đã nhận được thư và sách con gửi ra rồi. Ngoài này đang mùa biển động...”.

Đọc những dòng chữ của thầy, nước mắt tôi nhòe đi. Ánh mắt trìu mến, nụ cười ấm áp của người thầy giáo nơi đảo xa tôi đã từng gắn bó lại hiện về. Thầy gửi cho tôi chiếc lá bàng vuông, nhành hoa nhót biển ép trong trang giấy. Tất cả mang cho tôi hương vị của biển cả, ánh mắt của các bạn cùng lớp học cũ của tôi ở ngôi trường giữa biển đảo quê hương lại hiện về. Tôi nhớ khoảnh khắc thầy Tình tiễn tôi xuống tàu về lại đất liền. Tàu xa, tôi ngoái lại vẫn thấy cánh tay của thầy vẫy chào tạm biệt lứa học sinh chúng tôi. Biển xanh khi ấy long lanh, nghiêng nghiêng cánh chim hải âu.

Cầm lá thư của thầy trên tay, vảng vất trong tôi bài thơ “Quê em Trường Sa” mà bất cứ lứa học sinh nào trên đảo cũng thuộc:

Quê em ở Trường Sa

Những đảo chìm đảo nổi

Quê em có biển trời

Bốn mùa xanh bao la

Sinh ra ở Trường Sa

Em là con của biển…

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Cánh thư từ Trường Sa tại chuyên mục Sáng Tác của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Giấc mơ nhỏ bé

Đã lâu rất lâu rồi, tại một thị trấn nhỏ ẩn mình giữa những ngọn đồi thoai thoải cạnh ...

Bài Sáng Tác khác

Chích Bông và ông Mặt Trời

Trời chiều đầu Hạ thật đẹp, ánh nắng chan hòa được ông Mặt Trời rải đều khắp mọi nơi. Năm nào cũng thế, cứ vào mùa này là ông sẽ vén mây để nhìn xuống cánh đồng bao la này được rõ hơn.

Trái táo thần kỳ

Ba ơi, nhất định phải kiên trì, nếu không những gì chúng ta đã làm chẳng phải phí công hay sao?

Xe củ cải của Thỏ Xám

N ăm nay thời tiết thuận lợi, lại được Thỏ Xám cần cù chăm bón nên vườn củ cải vô cùng xanh tốt, trông thật thích mắt. Áng chừng đến thời điểm thu hoạch, Thỏ Xám nhổ củ cải và xếp gọn vào chiếc xe đẩy nhỏ xíu. Mong một ngày tốt lành như thế này sẽ giúp nó đổi được những thứ thật cần thiết. Thỏ Xám đẩy xe qua hàng rào nhà Nhím Nhỏ, lớn tiếng gọi bạn:

Văn Học Thiếu Nhi – Giấc mơ tròn 50 năm sau Ngày thống nhất

Với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của văn học thiếu nhi trong một chặng đường mới với tâm thế và tầm vóc mới, Hội đồng Văn học Thiếu nhi – Hội Nhà văn Việt Nam đã phối hợp với Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng triển khai kế hoạch xuất bản định kỳ các ấn phẩm chuyên đề về văn học thiếu nhi.