Theo hệ thống quan trắc không khí IQAir, vào lúc 9h00 sáng 20/2/2025, Hà Nội xếp thứ 4 trong danh sách 123 thành phố ô nhiễm trên thế giới của IQAir.
Cụ thể, với chỉ số AQI ở mức 167, chất lượng không khí của Hà Nội ở mức màu đỏ "không lành mạnh."

Số liệu này sẽ thay đổi tùy theo thời điểm và múi giờ, khi các thành phố khác trên thế giới lần lượt bước vào giờ cao điểm, khi lượng xe cộ và các hoạt động sản xuất đạt mức cao nhất.
Chất lượng không khí Hà Nội đã ô nhiễm trở lại, nhiều khu vực ở mức màu đỏ, mức xấu tương đương với cảnh báo mọi người bị ảnh hưởng sức khỏe. Theo đó, người bình thường cần hạn chế tối đa hoạt động ngoài trời.

Nếu cần thiết phải ra ngoài, người dân cần đeo khẩu trang đạt tiêu chuẩn. Nên bố trí thời điểm ít bị ô nhiễm trong ngày, tránh hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm không khí cao. Nhóm người nhạy cảm được khuyến cáo nên ở trong nhà và giảm hoạt động mạnh.
Chỉ số chất lượng không khí được tính theo thang điểm gồm 6 khoảng giá trị AQI. Tương ứng với đó là biểu tượng và các màu sắc để cảnh báo chất lượng không khí, mức độ ảnh hưởng tới sức khỏe con người. AQI ở khoảng giá trị từ 0-50 tương ứng chất lượng không khí tốt, màu xanh. AQI (51-100), chất lượng không khí trung bình, màu vàng. AQI (101-150), chất lượng không khí kém, màu da cam. AQI (151-200), chất lượng không khí xấu, màu đỏ. AQI (201-300), chất lượng không khí rất xấu, màu tím. AQI (301-500), chất lượng không khí nguy hại, màu nâu.