Thông tin được CEO OpenAI Sam Altman tiết lộ trên Axios, cho biết trong số 2,5 tỷ truy vấn mỗi ngày, có hơn 330 triệu truy vấn đến từ người dùng tại Mỹ. Hiện ChatGPT thu hút khoảng 500 triệu người dùng hoạt động hàng tuần, chủ yếu sử dụng phiên bản miễn phí.
Hồi tháng 12/2024, Altman từng cho biết lượng truy vấn mỗi ngày của ChatGPT chỉ hơn một tỷ. Như vậy, chỉ sau 8 tháng, số lượng truy vấn đã tăng hơn 150%, cho thấy sức hút ngày càng lớn của AI trong đời sống số hiện đại.

Dù tăng trưởng nhanh chóng, ChatGPT vẫn còn một khoảng cách lớn so với Google về lượng truy vấn. Theo số liệu công bố vào tháng 5/2025, Google Search xử lý khoảng 5.000 tỷ lượt truy vấn mỗi năm, tương đương gần 14 tỷ truy vấn mỗi ngày.
Các tổ chức theo dõi độc lập như NP Digital ước tính Google có khoảng 13,7 tỷ lượt tìm kiếm/ngày, trong khi SparkToro và Datos đưa ra con số xấp xỉ 16,4 tỷ. Như vậy, khối lượng truy vấn trên Google vẫn cao gấp hơn 5 lần so với ChatGPT.
Báo cáo thường niên của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters (RISJ) công bố ngày 17/6 chỉ ra, 7% người dùng trên toàn cầu đang sử dụng chatbot để cập nhật tin tức, trong đó: 12% người dưới 35 tuổi chọn AI để đọc tin, 15% người dưới 25 tuổi tin tưởng vào chatbot hơn các nguồn truyền thống.
Trong số đó, ChatGPT là công cụ phổ biến nhất, tiếp đến là Gemini của Google và Llama của Meta. Dù vậy, nhiều người vẫn lo ngại về tính minh bạch và độ chính xác của thông tin do AI cung cấp.
Không chỉ ảnh hưởng đến thói quen tiếp cận tin tức, các công cụ AI cũng đang làm giảm lượng truy cập vào website truyền thống. Theo thống kê từ Similarweb, việc sử dụng AI để tra cứu đang thay thế khoảng 10% lượng truy cập từ các công cụ tìm kiếm như Google.
Các nền tảng như ChatGPT, Perplexity và Gemini đang ngày càng được ưa chuộng để tra cứu thông tin, học tập và xử lý công việc, nhờ vào khả năng trả lời nhanh, có tính cá nhân hóa cao và giao diện thân thiện với người dùng.