Chuyện chữ, chuyện nghĩa

Gió heo may và gió mùa Đông Bắc

Chăm học
Những cơn gió lạnh tràn về, mang theo cái rét buốt của mùa Đông lạnh giá. Saumột đêm tỉnh dậy, mở cửa nhìn ra ngoài ta thấy mưa bắt đầu rơi, những hàng cây nghiêng ngả trong gió.

Thời tiết đã thay đổi. Mới chiều qua còn đi trong nắng chói chang, mồ hôi nhễ nhại, sớm nay đã phải lục tủ lấy áo ấm khăn quàng. Bản tin dự báo thời tiết thông báo có gió mùa Đông Bắc, đem theo không khí lạnh và mưa. Cái lạnh đến đột ngột làm thay đổi trạng thái tâm - sinh lý của nhiều người. Có người (nhất là người già) e ngại vì ảnh hưởng tới sức khỏe. Người trẻ thì háo hức cho việc sắm sửa quần áo “thời trang ăn diện”. Đại đa số đều cảm nhận một năm sắp hết và cái Tết cũng đã cận kề.

 

Nhưng hình như lâu nay, nhiều người vẫn cho rằng hai tên gọi gió heo may và gió mùa Đông Bắc là một? Thực ra đây là hai loại gió, chỉ hai hiện tượng thiên nhiên khác nhau.

Sự nhầm lẫn này có lý do của nó. Cũng bởi gió heo may và gió mùa Đông Bắc đều xảy ra vào mùa lạnh (mùa Đông) và cùng thổi từ phía Bắc (có lệch Đông) về.

Gió heo may, còn được nói tắt là gió may hoặc heo may. Đây là một loại gió nhẹ, hơi lạnh và khô, thường bắt đầu thổi vào mùa Thu. Tháng Bảy heo may, chuồn chuồn bay thì bão. Kinh nghiệm dân gian, vào tháng Bảy âm lịch, hễ trời “hây hẩy heo may”, đôi lúc có vài hạt mưa lắc rắc, lại có từng đàn chuồn chuồn bay tứ tung trên đồng ruộng, ao hồ là dấu hiệu có thể bão đến nơi. Nhà văn Nam Cao từng mô tả về chuyện trời có heo may điển hình: “Ban ngày thì mát mẻ, trời rất xanh, không khí trong veo, nắng dịu, heo may giãi đồng”. Thông thường, heo may về là bắt đầu thời kỳ hanh khô. Các loại rau cải, su hào, bắp cải... bắt đầu đua nhau mọc xanh đồng. Lúa mùa vào hạt chuẩn bị chín. Mía trong vườn lá xanh chững lại và vị ngọt trong gióng đậm dần.

Còn gió mùa Đông Bắc, còn gọi là gió bấc, là loại “gió mùa lạnh, từ hướng Đông - Bắc thổi qua lãnh thổ miền Bắc và một số tỉnh miền Trung Việt Nam”. Gió này thổi chủ yếu vào mùa Đông. Khi gió mùa Đông Bắc về sẽ kèm theo mưa vừa. Sau đó mưa giảm dần (vào cuối Đông đầu Xuân có thể có mưa phùn - một loại mưa nhỏ, dày hạt, kéo dài nhiều ngày) và trời giảm nhiệt đáng kể, có khi rất lạnh. Ở nông thôn, gió mùa Đông Bắc ảnh hưởng nhiều tới gieo trồng, gặt hái và sinh hoạt nói chung. Cưới vợ tránh ngày đoạn tang, trồng khoai lang tránh ngày gió bấc. Gió bấc thổi hun hút kèm theo mưa phùn làm cho ai cũng ngại. Nhà văn Nguyễn Công Hoan, trong truyện “Anh xẩm” đã mô tả rất chí lí về cái gió này: “Mưa như rây bột, như chăng lưới. Phố xá lờ mờ trắng ra. Xung quanh ngọn lửa điện đẫm lệ... Gió giật từng hồi. Lá vàng trút xuống mặt đường lăn theo nhau rào rào. Hơi lạnh thấm buốt đến tận xương”.

Gió heo may và gió mùa Đông Bắc rõ ràng là khác nhau. Chúng có “họ hàng anh em” nhưng hai anh em nhà này mỗi tính mỗi nết. Heo may có thể được coi là người bạn của nhà nông. Còn “anh” gió mùa Đông Bắc khó kết bạn lắm. Chả thế mà nhiều đợt “anh ta” về, nhiều cụ già yếu đau, ngã bệnh luôn. Ở trung du hay miền núi cao, không ít trâu bò phải “vào nồi” hoặc thành món “thịt trâu gác bếp” sau mỗi đợt rét sâu, rét đậm, rét hại nữa cơ.

Bài viết được đăng tải trên ấn phẩm Chăm học, số 1 năm 2024; phát hành vào ngày 2/1/2024, mời các bạn độc giả mua báo đón đọc nhé!

Còn nhiều bài viết hay, hấp dẫn, các câu chuyện thú vị đang chờ đón bạn khám phá tại ấn phẩm Chăm học. Nếu bạn quan tâm có thể mua báo và đọc trực tuyến tại cửa hàng trực tuyến của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhé!

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Gió heo may và gió mùa Đông Bắc tại chuyên mục Hành Trang của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Hành Trang khác

Bảng chữ cái tiếng Anh được hình thành như thế nào?

Một biểu đồ nho nhỏ do Matt Baker của trang Useful Charts đã cho thấy, kỳ thực bảng ký tự tiếng Anh mà chúng ta sử dụng ngày nay đã có nguồn gốc từ những ký tự tượng hình của người Ai Cập cổ đại gần 4.000 năm trước (khoảng năm 1750 trước Công Nguyên).