MV "Một con vịt" bất ngờ biến mất khỏi YouTube sau khi đạt 1 tỷ lượt xem

Mọt
MV hoạt hình “Một con vịt”, sản phẩm âm nhạc Việt đầu tiên cán mốc 1 tỷ lượt xem trên YouTube, đã bất ngờ biến mất khỏi nền tảng này, khiến người hâm mộ và phụ huynh không khỏi hoang mang.

Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, từ ngày 14/7, người dùng không còn tìm thấy MV này trên kênh YouTube của Heo Con. Thay vào đó, một số phiên bản khác của bài hát đã xuất hiện, nhưng không phải là video gốc từng đạt kỷ lục lượt xem. Các phiên bản thay thế này có số lượt xem thấp hơn rất nhiều, với con số cao nhất chỉ gần 78 triệu.

Dù sự việc gây không ít tiếc nuối cho người hâm mộ, nguyên nhân khiến MV Một con vịt biến mất vẫn chưa được xác nhận chính thức. YouTube và chủ kênh Heo Con hiện chưa đưa ra bất kỳ thông tin cụ thể nào liên quan đến vụ việc. Nhiều khán giả suy đoán rằng video có thể gặp vấn đề về bản quyền, đặc biệt khi phần âm nhạc gốc đã được thể hiện qua nhiều phiên bản khác nhau bởi các nghệ sĩ trước đó. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là phỏng đoán, chưa có xác nhận chính thức từ các bên liên quan.

Ra mắt vào tháng 8/2019, MV Một con vịt nhanh chóng chiếm được cảm tình của nhiều bậc phụ huynh và trở thành một phần không thể thiếu trong không gian âm nhạc thiếu nhi Việt Nam. Video dễ thương, với hình ảnh hoạt hình 3D rực rỡ, kể về câu chuyện vịt mẹ dẫn đàn vịt con bơi qua ao, hòa cùng giai điệu vui tươi và dễ nhớ, đã trở thành “nhạc phát giờ ăn cơm” của hàng triệu gia đình.

Đặc biệt, vào tháng 6/2024, MV này chính thức đạt 1 tỷ lượt xem – một thành tích ấn tượng đối với một sản phẩm âm nhạc thiếu nhi. Trước khi biến mất, video vẫn đều đặn thu về hơn 1 triệu lượt xem mỗi ngày và nhận được hơn 2 triệu lượt thích. Đây là con số đáng kể trong thế giới âm nhạc dành cho trẻ em, đặc biệt trong bối cảnh thiếu vắng các chiến dịch quảng bá mạnh mẽ.

Không chỉ Một con vịt, nhiều sản phẩm âm nhạc thiếu nhi khác cũng ghi nhận thành công lớn trên nền tảng YouTube. Ví dụ tiêu biểu là bài hát Bống bống bang bang, với phiên bản của nhóm 365 Band đã đạt hơn 590 triệu lượt xem, và phiên bản của ca sĩ nhí Bào Ngư đã vượt mốc 600 triệu lượt xem. Đây là minh chứng rõ ràng cho thấy sức hút mạnh mẽ của dòng nhạc thiếu nhi trong không gian số, được yêu thích rộng rãi và bền bỉ qua nhiều thế hệ.

Trên phạm vi toàn cầu, Baby Shark hiện đang giữ kỷ lục video được xem nhiều nhất trong lịch sử YouTube, với hơn 15 tỷ lượt xem, bỏ xa các sản phẩm đình đám khác như Despacito hay Wheels on the Bus. Thành công này cho thấy âm nhạc thiếu nhi vẫn chiếm một vị trí quan trọng trong hành vi tiêu dùng nội dung số toàn cầu.

Với sự yêu mến mạnh mẽ từ người hâm mộ, đặc biệt là các bậc phụ huynh, nhiều người hy vọng rằng MV Một con vịt sẽ sớm quay lại YouTube, tiếp tục trở thành người bạn đồng hành của các bé trong những giờ giải trí bổ ích.

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết MV "Một con vịt" bất ngờ biến mất khỏi YouTube sau khi đạt 1 tỷ lượt xem tại chuyên mục Đồ Chơi của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Đồ Chơi khác

Đánh phết đầu xuân vui ra phết

Nói đến chuyện vui, tiếng Việt thường có nhiều thành ngữ để chỉ: vui như Tết, vui như sáo, vui như trẩy hội hoặc vui ra phết… “Vui ra phết” là một thành ngữ nhằm diễn tả một trạng thái vui vẻ thoải mái của ai đó. Ví dụ: “Này, các cậu ơi, hôm vừa rồi lớp chúng tớ được cô giáo cho đi tham quan rừng Cúc Phương. Cả nhóm tha hồ chơi tập trận giả trong rừng, vui ra phết nhé!”.

Khi các bà, các mẹ trổ tài đánh quay

“Cút ca cút kít/Làm ít ăn nhiều/Nằm đâu ngủ đấy/Nó lấy mất cưa Lấy gì mà kéo...”. Mỗi khi nghe đến bài đồng dao ấy, nhiều người lớn lại muốn “bỏ quên” hết mọi nhọc nhằn của cuộc sống để trở về tuổi thơ hồn nhiên, cuốn theo vòng xoáy của những con quay.

Cách phân biệt Labubu thật và giả

Labubu ngày càng nổi tiếng, kéo theo sự xuất hiện của nhiều mặt hàng nhái trên thị trường. Việc nhận biết Labubu thật và giả trở thành mối quan tâm lớn của giới trẻ yêu thích thương hiệu này.

Hello Kitty và hành trình nửa thế kỷ thống trị thế giới

Xuất hiện lần đầu tiên vào ngày 1/11/1974 và được miêu tả với hình ảnh chú mèo bobtail Nhật Bản với chiếc nơ đỏ bên tai trái. Hello Kitty được lấy hình mẫu là một cô bé có tên là Kitty White đến từ London (Anh) và có chị em sinh đôi tên Mimmy. Cô bé nuôi một mèo cưng tên Charmmy Kitty.

Chào nhé Halloween

Halloween ở trường, ở lớp bạn đã chuẩn bị tới đâu rồi? Các bạn có hào hứng đón chờ những màn trình diễn cực kỳ hấp dẫn và bất ngờ của lễ hội Halloween không nhỉ?