Ai từng làm cha mẹ đều hiểu rõ cái cảm giác ân hận khi lỡ tay "dạy" con quá đà, đánh con lằn cả vết roi thì họ sẽ không bao giờ lặp lại lần thứ 2 với con như vậy. Chẳng người cha, người mẹ nào lại dạy con đến nỗi bầm tím mặt mũi và liên tục đánh vào người con gây thương tích đầy mình như vậy. Hổ dữ còn không nỡ ăn thịt con mình cơ!
Thời gian qua, rất nhiều vụ việc được phát hiện do bị cha mẹ ruột ngược đãi, hay do chính sự thờ ơ của cha mẹ khiến những đứa trẻ rơi vào hoàn cảnh khổ sở. Các con không chỉ đau về thể xác, chúng còn bị ảnh hưởng nặng nề về tâm lý, ám ảnh theo đến suốt đời.
Sau này, liệu chúng có vượt qua mặc cảm ấy để vững bước trong cuộc sống?
Chỉ mấy hôm trước thôi, vụ bạn trai tên K. 10 tuổi bị bố và mẹ kế bạo hành đến "thừa sống thiếu chết". Tuy nhiên trong suốt 2 năm bạn trai 10 tuổi bị bố và mẹ kế bạo hành, nhiều người đặt câu hỏi vì sao không ai hay biết, kể cả mẹ đẻ của bạn ấy? Thậm chí hàng xóm củng không một lời phản ảnh đến cơ quan chức năng?
Hiện tại, dù đã được về với mẹ đẻ, nhưng nhiều vết thương đã hằn sâu trên cơ thể của bé 10 tuổi bị bạo hành, cậu bé đã sụt hơn 20kg và chưa hết tâm lý sợ hãi do bị bạo hành trong suốt thời gian dài.
Có hay không sự thiếu nhận thức và cả thờ ơ của cha mẹ, ông bà, làng xóm, và cả các ban ngành, đoàn thể, cơ quan chức năng không tố giác hành vi bạo lực trẻ nhỏ là một trong các nguyên nhân. Lấy cớ "giáo dục" thì mọi chuyện đều là "chuyện riêng", "chuyện gia đình", "chuyện không phải của mình" cần "đóng cửa bảo nhau"… Hầu hết chúng ta đều có ít nhất đôi lần chứng kiến các vụ bạo lực ở mức độ nặng nhẹ khác nhau nhưng đều tặc lưỡi cho qua, đấy là không kể chính ông bà cha mẹ trong gia đình có hành vi bạo lực thì cũng không tố giác nhau. Điều này làm cho tình trạng bạo lực ngày càng tệ. Ví dụ như vụ bố và mẹ kế bạo hành con vừa diễn ra ở Hà Nội diễn ra một thời gian dài, tại sao không có người thân nào của em bé, làng xóm hay bạn bè... phát hiện và hỗ trợ cháu. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, ở những trường hợp bị bạo hành khi còn nhỏ hầu hết những đứa trẻ này bị ám ảnh cả đời. Nhiều người trong số đó trở nên sống khép kín, gặp trở ngại trong giao tiếp xã hội. Họ cũng có biểu hiện mặc cảm, thiếu tự tin vào bản thân.
Nghiêm trọng hơn, việc bạo hành làm trẻ mất niềm tin vào người lớn, tình yêu thương. Khi trưởng thành có thể trở nên cục cằn, nóng nảy dễ có hành vi bạo lực. Nhiều người chấn thương tâm lý dẫn tới những hành động hung hăng, thậm chí có hành vi tự hại, luôn muốn tự làm đau mình để giảm stress căng thẳng.
Có thể nói, liên tiếp những bạo hành trẻ em xảy ra trong thời gian qua không chỉ đã gây hậu quả nghiêm trọng xâm phạm sức khỏe, thể chất và tinh thần của trẻ em, mà còn đi ngược lại với truyền thống đạo đức xã hội, khiến dư luận xã hội rất băn khoăn lo lắng.
Đã đến lúc các cơ quan chức năng, các tổ chức chăm sóc, bảo vệ trẻ em, mỗi gia đình, mỗi cá nhân phải nghiêm túc nhìn nhận về trách nhiệm chăm sóc và bảo vệ trẻ em.
Minh Anh (tổng hợp)