Những vị tướng "huyền thoại" của Quân đội Nhân dân Việt Nam

PV (tổng hợp)
Quân đội Nhân dân Việt Nam có những vị Đại tướng mà tên tuổi, sự nghiệp gắn liền với những chiến công lừng lẫy, góp phần quan trọng vào các cuộc kháng chiến thống nhất, bảo vệ Tổ quốc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911-2013) là người trực tiếp chỉ huy Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, được thành lập ngày 22-12-1944 tại Cao Bằng.

37 tuổi, ông đã trở thành vị Đại tướng, Tổng Tư lệnh đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị tướng có công lao, đóng góp to lớn trong xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam hùng mạnh, chính quy, tinh nhuệ, ngày càng hiện đại. Từ Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân - đội quân chủ lực đầu tiên chỉ với 34 chiến sĩ và vài chục khẩu súng trường, súng kíp thô sơ, rồi từng bước lớn lên thành những trung đoàn, đại đoàn thiện chiến, kiên cường chiến đấu và chiến thắng kẻ thù xâm lược. Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” là minh chứng sinh động về sự trưởng thành, lớn mạnh của Quân đội ta dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng, Bác Hồ kính yêu và sự chỉ huy tài tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Lần đầu tiên trên thế giới, quân đội của một nước thuộc địa nhỏ ở châu Á đã đánh bại quân đội của một cường quốc châu Âu.

Những Đại tướng huyền thoại của Quân đội Nhân dân anh hùng - Ảnh 1. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp bàn kế hoạch quân sự cho chiến dịch Biên giới 1950 - Ảnh: Đinh Đăng Định - TTXVN
Những Đại tướng huyền thoại của Quân đội Nhân dân anh hùng - Ảnh 1. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp bàn kế hoạch quân sự cho chiến dịch Biên giới 1950 - Ảnh: Đinh Đăng Định - TTXVN

Bước sang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp tục giữ cương vị là người đứng đầu Quân đội, cùng với Bộ Chính trị hoạch định những quyết sách chiến lược. Đại tướng là người sớm có kiến nghị và có nhiều công lao trong việc khẩn trương xây dựng Quân đội Nhân dân tiến lên chính quy, hiện đại, xây dựng các Quân chủng Phòng không - Không quân, Hải quân, Binh chủng Đặc công, xây dựng đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh trên bộ và đường Hồ Chí Minh trên biển chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam và tiến thẳng đến dinh lũy của kẻ địch vào ngày toàn thắng. Đặc biệt, gần cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề xuất ra việc khẩn trương thành lập các quân đoàn chủ lực (Quân đoàn 1, 2, 3 và 4) để nhân sức mạnh tổng hợp của các sư đoàn, đáp ứng yêu cầu tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng, thực hiện những trận đánh tiêu diệt lớn.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã chứng minh đề xuất trên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là sáng tạo và chính xác, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn chiến trường, đáp ứng nhạy bén yêu cầu của sự phát triển quân đội và quy luật phát triển của chiến tranh vào thời điểm đó.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Người anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng; Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; được cả thế giới kính trọng, ngưỡng mộ và suy tôn là một trong 10 vị tướng vĩ đại nhất lịch sử thế giới qua mọi thời đại.

Đại tướng Hoàng Văn Thái

Đại tướng Hoàng Văn Thái (1915-1986) là một trong 34 chiến sĩ đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân cùng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một trong những vị tướng đầu tiên, có ảnh hưởng quan trọng trong sự hình thành và phát triển của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 7/9/1945, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao thành lập Bộ Tổng Tham mưu và là Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên của QĐND Việt Nam, khi đó ông mới 30 tuổi. Trên cương vị này, ông đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng cơ quan tham mưu chiến lược của quân đội, ngành tham mưu toàn quân phát triển và dần hoàn thiện giúp Bộ Quốc phòng chỉ đạo tác chiến và xây dựng lực lượng ngày một trưởng thành. Những ý kiến chỉ đạo của ông đã góp phần quan trọng vào chiến thắng Hà Nội “60 ngày đêm khói lửa”.

Trung tướng Hoàng Văn Thái (bên trái) họp với các đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục Miền Nam, năm 1967. Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát
Trung tướng Hoàng Văn Thái (bên trái) họp với các đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục Miền Nam, năm 1967. Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ (13/3 đến 7/5/1954), bên cạnh Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Thái làm Tham mưu trưởng chiến dịch, trực tiếp chỉ huy công tác tham mưu - tác chiến tại mặt trận, góp phần quan trọng vào chiến thắng Điện Biên Phủ. Năm 1958, ông là Chủ nhiệm Tổng cục Quân huấn, kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Thể dục Thể thao nhà nước. Năm 1959, ông được phong hàm Trung tướng; từ 1961-1963 học tại Học viện Quân sự Cấp cao Bắc Kinh (Trung Quốc).

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Đại tướng Hoàng Văn Thái đã cùng các đồng chí khác lãnh đạo, chỉ đạo cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, đánh bại cuộc Hành quân Toàn thắng (1/1971), các cuộc hành quân Chenla I, Chenla II, Nguyễn Huệ, chiến dịch tiến công tổng hợp 1972. Sau Hiệp định Paris (1/1973), ông làm Phó tổng Tham mưu trưởng thứ nhất, phụ trách công tác tác chiến và chi viện chiến trường cùng Đại tướng Lê Trọng Tấn làm kế hoạch và chỉ đạo tổ trung tâm hoàn thành kế hoạch giải phóng miền Nam 1975-1976. Ông được phong hàm Thượng tướng năm 1974.

Hoàng Văn Thái cùng Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch tác chiến chiến lược, thực hiện các ý định, chủ trương của Bộ Chính trị, tạo thế và lực cho ta nắm thời cơ giành thắng lợi trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1914-1967) từng công tác ở nhiều lĩnh vực chính trị khác nhau và đều có khả năng phát triển lĩnh vực đó nên còn được gọi là "vị tướng phong trào". Ông cũng là người đề ra chiến thuật đánh áp sát của Quân Giải phóng miền Nam với phương châm "Nắm thắt lưng địch mà đánh".

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được giao những trọng trách quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi cấp bách của sự nghiệp cách mạng. Bất kỳ ở đâu, trong hoàn cảnh nào, cả trong và ngoài quân đội, ông vẫn luôn thể hiện là đảng viên kiên trung, một nhà lãnh đạo tài năng, không chịu lùi bước trước bất kỳ khó khăn, thử thách nào.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (bên phải) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao đổi tình hình chiến sự ở miền Nam, ngày 5-7-1967 - Ảnh: Tư liệu/TTXVN
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (bên phải) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao đổi tình hình chiến sự ở miền Nam, ngày 5/7/1967 - Ảnh: Tư liệu/TTXVN

Để xây dựng quân đội vững mạnh, đáp ứng yêu cầu đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước sang giai đoạn mới, năm 1950, ông được giao làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó Bí thư Tổng Quân ủy. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh, công tác đảng, công tác chính trị có bước tiến vượt bậc; trở thành “linh hồn, mạch sống” của quân đội.

Cuối năm 1964, ông được điều vào miền Nam, giữ chức Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Chính ủy Quân giải phóng miền Nam. Đây là một trong những thời điểm then chốt của cách mạng miền Nam. Trên cương vị người lãnh đạo, chỉ đạo cao nhất tại chiến trường, với tư duy chiến lược toàn diện cùng bề dày kinh nghiệm, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng, phân tích tương quan so sánh lực lượng giữa ta và địch, dự báo chính xác diễn tiến của chiến tranh. Từ những đánh giá khoa học về thế và lực của cả ta và địch, đồng chí khẳng định: quân và dân ta hoàn toàn có đủ sức mạnh của chiến tranh nhân dân để “không sợ Mỹ, dám đánh Mỹ, quyết thắng Mỹ."

Đại tướng Văn Tiến Dũng

Đại tướng Văn Tiến Dũng (1917-2002), nguyên: Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, là một vị tướng tài ba, mưu lược, nhà quân sự xuất sắc của dân tộc Việt Nam.

Trong kháng chiến chống Mỹ, trên cương vị Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã cùng Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh chỉ đạo trực tiếp việc tổ chức huấn luyện xây dựng lực lượng vũ trang, đặc biệt đã xây dựng và chỉ đạo các lực lượng phòng không - không quân, hải quân làm nòng cốt cho chiến tranh nhân dân đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của không quân, hải quân Mỹ ra miền Bắc.

Đại tướng Văn Tiến Dũng kiểm tra trận địa tên lửa của Binh đoàn Sông Đà (1978) - Ảnh: Tư liệu TTXVN
Đại tướng Văn Tiến Dũng kiểm tra trận địa tên lửa của Binh đoàn Sông Đà (1978) - Ảnh: Tư liệu TTXVN

Ông đã trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy nhiều trận đánh, nhiều chiến dịch với cách đánh sáng tạo, biết địch, biết ta, giành thắng lợi giòn giã, trong đó tiêu biểu nhất là chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975.

Với chiến trường miền Nam, ông được giao trực tiếp chỉ đạo nhiều chiến dịch có ý nghĩa quan trọng làm thay đổi cục diện chiến trường như Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (30/12/1970 đến 3/3/1971), đánh bại cuộc hành quân Lam Sơn 719 của quân đội Sài Gòn được Mỹ yểm trợ; Chiến dịch Trị - Thiên (3/1972) tiêu diệt Sư đoàn 3 cùng toàn bộ hệ thống phòng ngự của ngụy quân Sài Gòn, giải phóng tỉnh Quảng Trị; Chiến dịch Tây Nguyên (1975) mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975.

Đại tướng Lê Trọng Tấn

Đại tướng Lê Trọng Tấn (1914-1986), nguyên: Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam. Ông là vị Đại tướng Việt Nam lớn tuổi nhất vào thời điểm thụ phong: 70 tuổi, là vị tướng trận mạc, luôn có mặt ở những chiến trường gai góc và nóng bỏng nhất, có khả năng xoay chuyển cục diện trận đánh, "trăm trận, trăm thắng".

Cán bộ, chiến sĩ quân đội yêu mến gọi ông là “Zukov của Việt Nam”, luôn đoàn kết, một lòng tin tưởng vào tài năng, đức độ, thông minh, sáng tạo, nhanh nhạy, quyết đoán của ông. Như lời đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói: "Anh Lê Trọng Tấn xứng đáng hai lần Anh hùng!".

Những Đại tướng huyền thoại của Quân đội Nhân dân anh hùng - Ảnh 7. Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam Lê Trọng Tấn (ngoài cùng, phải) nghe báo cáo tình hình mặt trận Campuchia (1-1979) - Ảnh: Tư liệu/TTXVN
Những Đại tướng huyền thoại của Quân đội Nhân dân anh hùng - Ảnh 7. Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam Lê Trọng Tấn (ngoài cùng, phải) nghe báo cáo tình hình mặt trận Campuchia (1-1979) - Ảnh: Tư liệu/TTXVN

Từ cuối năm 1945, Đại tướng Lê Trọng Tấn được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và đảm nhiệm nhiều cương vị như: Trung đoàn phó, rồi Trung đoàn trưởng Trung đoàn Sơn La, quyền Khu trưởng Khu 14, Phó Tư lệnh Liên khu 10, Trung đoàn trưởng kiêm Chính uỷ Trung đoàn 209 chỉ huy nhiều trận đánh giành thắng lợi. Trên cương vị Đại đoàn trưởng Đại đoàn 312, đồng chí Lê Trọng Tấn đã chỉ đạo đơn vị làm nên nhiều chiến công vang dội trong các chiến dịch Hòa Bình (1951-1952), Tây Bắc (1952), Thượng Lào (1953).... Trong trận quyết chiến chiến lược tại lòng chảo Mường Thanh, Thiếu tướng Lê Trọng Tấn đã chỉ đạo Đại đoàn 312 tiêu diệt trung tâm đề kháng Him Lam, tiến công vào Sở chỉ huy, bắt tướng De Castries cùng Bộ tham mưu tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Trở lại gắn bó với chiến trường miền Nam trên cương vị là Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam, Ủy viên Quân ủy Miền, kiêm Tư lệnh của Chiến dịch Đồng Xoài, Chiến dịch Bàu Bàng - Dầu Tiếng (1965), Chiến dịch đánh bại cuộc hành quân Gianxơn Xity của Mỹ (1967), Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào 1971, Chiến dịch Trị - Thiên 1972,... Đại tướng Lê Trọng Tấn góp phần cùng quân và dân miền Nam đánh bại các thủ đoạn chiến tranh của địch, buộc Mỹ và chính quyền Sài Gòn phải ký kết Hiệp định Pari, hoàn thành nhiệm vụ “đánh cho Mỹ cút”. Tiếp tục tiến lên “đánh cho ngụy nhào”, ông đã chỉ huy các lực lượng vũ trang tiến công giải phóng Huế, Đà Nẵng, cùng các cánh quân khác thần tốc hành quân, đập tan nỗ lực kháng cự cuối cùng của địch, bắt Tổng thống Dương Văn Minh và nội các chính quyền Sài Gòn. 

Đại tướng Chu Huy Mân

Đại tướng Chu Huy Mân (1913-2006), nguyên: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch HĐNN, Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự TƯ, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam; là một tài năng quân sự và kiên định có tầm chiến lược và cũng rất giỏi về chiến dịch và chiến thuật, một tấm gương sáng về đạo đức cách mạng.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, trên cương vị Trung đoàn trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy các Trung đoàn 72, 74, 174; Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Đại đoàn 316, đồng chí Chu Huy Mân đã lãnh đạo, chỉ huy đơn vị tham gia nhiều chiến dịch lớn, lập nhiều chiến công vẻ vang, góp phần làm nên những chiến thắng, như: Việt Bắc-Thu Đông (1947), Chiến dịch Biên giới (1950), Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954)… góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Đại tướng, Tư lệnh Quân giải phóng khu 5 Chu Huy Mân đến thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ đơn vị xe tăng trước giờ tấn công giải phóng thành phố Đà Nẵng (tháng 3-1975) trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 - Ảnh: Tư liệu TTXVN
Đại tướng, Tư lệnh Quân giải phóng khu 5 Chu Huy Mân đến thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ đơn vị xe tăng trước giờ tấn công giải phóng thành phố Đà Nẵng (tháng 3-1975) trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 - Ảnh: Tư liệu TTXVN

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Đại tướng Chu Huy Mân đã cùng tập thể Khu ủy, Quân khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 lãnh đạo quân và dân ta lập nên các chiến công vang dội. Tiêu biểu như: Trận Núi Thành, Vạn Tường, Plei Me - Ia Đrăng; xây dựng “vành đai diệt Mỹ”; chỉ đạo và tổ chức thực hiện thắng lợi các chiến dịch tiến công tổng hợp Ba Gia (1965), Sa Thầy (1966), Tết Mậu Thân (1968), Bắc Bình Định (1972), chiến dịch Huế, Đà Nẵng (1975)…, góp phần cùng quân dân cả nước “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Đặc biệt, Đại tướng Chu Huy Mân đã có những đóng góp vào nghệ thuật quân sự, đặc biệt là nghệ thuật chiến dịch tổng hợp gồm hai lực lượng: Chính trị (đấu tranh chính trị, binh vận), quân sự (ba thứ quân) là một trong những phát triển sáng tạo, độc đáo, nổi bật của chiến tranh cách mạng Việt Nam.

Đại tướng Lê Đức Anh

Đại tướng Lê Đức Anh (1920-2019) là cán bộ chỉ huy quân đội trực tiếp tham gia 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ và làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Đại tướng Lê Đức Anh trực tiếp chỉ huy cánh quân tiến công trên hướng tây - tây nam Sài Gòn (Đoàn 232), thực hiện các nhiệm vụ chia cắt các lực lượng Sài Gòn và miền Đông với lực lượng vùng đồng bằng sông Cửu Long; tấn công Biệt khu Thủ đô và Tổng nha Cảnh sát, sau đó hợp điểm cùng các cánh quân khác tại Dinh Độc Lập vào trưa ngày 30/4/1975, góp phần vào thắng lợi chung của toàn quân và toàn dân ta trong trận quyết chiến chiến lược cuối cùng.

Chủ tịch nước Lê Đức Anh thăm xưởng sửa chữa máy bay của Sư đoàn Không quân 372, ngày 9-1-1996 - Ảnh: Cao Phong - TTXVN
Chủ tịch nước Lê Đức Anh thăm xưởng sửa chữa máy bay của Sư đoàn Không quân 372, ngày 9-1-1996 - Ảnh: Cao Phong - TTXVN

Đảm nhiệm cương vị Chủ tịch nước trong giai đoạn đầu tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, ông tham gia hoạch định nhiều chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước cả về đối nội và đối ngoại.

Ông là một trong những nhà lãnh đạo quốc gia tầm cỡ trong thời kỳ đổi mới, nhà quân sự xuất sắc của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

 

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Những vị tướng "huyền thoại" của Quân đội Nhân dân Việt Nam tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác

Các quốc gia trên thế giới đón năm mới thế nào?!

Các quốc gia trên thế giới có những phong tục và truyền thống độc đáo để đón năm mới, phản ánh văn hóa và lịch sử riêng của từng nơi. Dưới đây là một số cách đón năm mới tại các quốc gia tiêu biểu: