Halloween năm nay teen làm gì? Xem một bộ phim kinh dị hay lang thang ngoài trời để chứng kiến những màn dọa ma? Bất kể lựa chọn của bạn là gì, khi đối mặt với những tình huống như vậy, bộ não cũng sẽ bước vào chế độ chiến đấu hay bỏ chạy. Chế độ này là cơ chế sống sót căn bản trong đó cơ thể trải qua một phản ứng căng thẳng trước một mối de dọa được nhận thức trong môi trường xung quanh.
Mối đe dọa tinh thần
Phản ứng này vốn dĩ được phát triển để giúp tổ tiên của chúng ta thoát khỏi những con mồi trong một thế giới ngập tràn nguy hiểm. Ngày nay việc trải nghiệm những cảm giác này khi phản ứng với mối đe dọa tinh thần ngày càng trở nên phổ biến. Mối đe dọa về tinh thần là kiểu đe dọa không phương hại con người về thể chất nhưng có khả năng gây rối loạn tâm lý.
Phản ứng chiến đấu hay bỏ chạy được xử lý bởi hạch hạnh nhân, phần não liên quan đến trải nghiệm tình cảm. Hệ thống não cổ đại là một phần không thể thiếu trong xử lý nỗi sợ hãi, song không thể phân biệt được mối đe dọa về thể chất hay tinh thần.
Vì vậy, những biểu hiện như chảy mồ hôi tay hoặc lo âu không chỉ xuất hiện khi gặp thú dữ mà còn xảy ra trong những kịch bản không mong muốn như phỏng vấn việc làm hoặc phim kinh dị.
Halloween là lễ hội hóa trang và mọi người muốn hóa thân vào những nhân vật ma quái, kỳ bí.
Có nhiều bằng chứng chứng minh vai trò của hạch hạnh nhân trong xử lý nỗi sợ hãi, khi vùng não này được loại bỏ hoàn toàn ở chuột thì chúng không còn biểu hiện sợ hãi hoặc những hành vi lẩn trốn khi gặp kẻ thù truyền kiếp là mèo nữa.
Vì vậy khi tiếng nhạc rùng rợn trong bộ phim kinh dị bắt đầu lớn hơn, sự xuất hiện bất thình lình của tên sát nhân bịt mặt khiến bạn nhảy dựng lên, điều này đóng vai trò là yếu tố kích thích tín hiệu trong hạch hạnh nhân. Khi phản ứng với mối đe dọa được nhận thức, hạch hạnh nhân tiết ra một chất hóa học gọi là glutamate hoạt động ở 2 vùng não khác.
Tín hiệu đầu tiên được gửi sâu vào nền não đến một khu vực gọi là não giữa mà con người có ít khả năng kiểm soát. Việc này khiến chúng ta cứng người hoặc nhảy dựng lên vì sợ hãi.
Tín hiệu thứ 2 được gửi đến vùng dưới đồi, vùng não chịu trách nhiệm sản xuất hoóc-môn. Vùng dưới đồi kích thích hệ thần kinh tự trị và dẫn đến khởi phát phản ứng chiến đấu-hoặc-bỏ chạy. Nhịp tim và huyết áp tăng lên, đồng thời các hoóc-môn trong não là andrenaline và dopamine được bơm đến toàn cơ thể. Việc này giúp cơ thể có sự chuẩn bị cho trận chiến sinh tử hoặc bỏ chạy để bảo toàn mạng sống, đó là lý do bạn cảm thấy cuống khi sợ hãi.
Nhiều người lại thích cảm giác sợ hãi và muốn tận hưởng nó.
Tác động đến suy nghĩ
Khi cảm giác sợ hãi bị đẩy lên cao, bộ não rút gọn các con đường xử lý hợp lý hơn và phản ứng ngay lập tức với tín hiệu từ hạch hạnh nhân. Khi ở trạng thái hoạt động quá mức này, bộ não sẽ nhận sự kiện là tiêu cực và nhớ chúng theo cách đó. Bộ não cũng lưu trữ toàn bộ chi tiết về mối nguy hiểm – cảnh vật, âm thanh, mùi, thời điểm trong ngày, thời tiết.
Những ký ức này có xu hướng bền bỉ dù có thể bị chia đoạn. Cuối cùng, những chi tiết của sự kiện có thể kích thích họ và gây ra sợ hãi. Họ sẽ nhớ lại ký ức đáng sợ và gây ra cảm giác sợ hãi mà không biết lý do. Vì những dấu hiệu này đi kèm với mối de dọa trước đó, bộ não có thể hiểu đó là yếu tố dự báo. Điều này thường xảy ra với rối loạn stress sau sang chấn.
Ví dụ, một người lính chứng kiến cảnh bom nổ vào ngày có sương mù có thể cảm thấy hoảng loạn khi thời tiết có sương mù mà không rõ vì sao.
Vì sao một số người lại thích cảm giác sợ hãi?
Halloween là một lễ hội mang đến cho bạn nhiều trải nghiệm cảm xúc thú vị.
Một số người thực sự tận hưởng cảm giác sợ hãi và cuống cuồng. Bạn cũng có thể là một trong những người thích xem phim kinh dị, thể thao mạo hiểm hoặc những hoạt động đầy rủi ro.
Hiện đã có những bằng chứng cho thấy quá trình hóa học diễn ra trong não là nguyên nhân của sự khác biệt ở những người thích được sợ hãi. Các nhà nghiên cứu ở Đại học Vanderbit đã chứng minh con người có phản ứng hóa học khác nhau trước những tình huống rợn tóc gáy.
Chúng ta đều biết dopamine được tiết ra trong phản ứng với những tình huống sợ hãi. Song ở những người được ghi nhận là tận hưởng cảm giác đó, bộ não của họ thiếu một 'chiếc phanh' trong quá trình tiết dopamine và tái hấp thu lên não. Điều đó có nghĩa họ trải nghiệm nhiều cảm giác thích thú hơn và hưởng nỗi sợ hãi trong những tình huống rủi ro nhờ sự tiết ra nhiều dopamine trong não hơn.
Theo vntinnhanh/suckhoedoisong