Phát biểu tại tọa đàm, nhà báo Nguyễn Mạnh Hưng, Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ Thủ đô nhấn mạnh, hoạt động này nhằm ôn lại những ký ức hào hùng, thời kỳ lịch sử vô cùng oanh liệt và vẻ vang của Thủ đô. Thông qua những câu chuyện chân thực, sinh động của các nhân chứng lịch sử, tọa đàm góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, bồi dưỡng lý tưởng sống cao đẹp cho thế hệ trẻ, để thế hệ hôm nay vững bước xây dựng và phát triển Thủ đô.
Tham dự và chia sẻ tại chương trình, ông Phạm Thanh Học, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội khẳng định: Sự kiện Giải phóng Thủ đô ngày 10/10/1954 là sự kiện đặc biệt của Thủ đô và cả nước, được cả thế giới ngưỡng mộ.
Sự kiện để lại rất nhiều bài học. Trước hết việc tiếp quản Thủ đô là cả quá trình, tiêu biểu cho vai trò đi đầu của Thủ đô với cả nước. Đây cũng là điểm kết thúc của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của đất nước, dân tộc.
Để tiến tới sự kiện tiếp quản Thủ đô, chúng ta đã trải qua cuộc trường kỳ kháng chiến trường kỳ và gian khổ suốt 9 năm. Trước kẻ thù mạnh về lực lượng và vũ khí hiện đại, quân ta lực lượng ít, trang thiết bị thiếu thốn, Đảng ta đã quyết định rút lui khỏi Thủ đô để củng cố lực lượng và chờ thời cơ với tinh thần “nhất định thắng lợi” và niềm tin “sẽ có ngày chiến thắng trở về”.
“Cá nhân tôi cho rằng đây là bài học kinh nghiệm rất lớn của cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, đất nước. Với tinh thần giữ nước, tinh thần đánh giặc: “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, đánh giặc trên tất cả các mặt trận, chúng ta đã làm nên sức mạnh tổng hợp và một chiến thắng vĩ đại, vinh quang được thế giới ngưỡng mộ”- ông Phạm Thanh Học chia sẻ.
Tâm huyết với chủ đề buổi Toạ đàm “Tiếp nối truyền thống - Vững bước tương lai”, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội cho rằng, thế hệ trẻ hôm nay phải biết tự hào khi là người Hà Nội, khi đang sống, cống hiến cho Thủ đô và đất nước.
Ông Học chia sẻ, năm 1972, khi còn là một cậu bé 9 tuổi, như bao đứa trẻ thời bấy giờ, ông không biết sợ bom đạn, thích được đi theo các bác dân quân bắt giặc Mỹ, thường rủ nhau đi xem bắn pháo, tên lửa… Tuổi thơ lớn lên được chứng kiến những tàn khốc của chiến tranh nên mỗi khi nhắc đến chiến tranh ông vẫn có rất nhiều cảm xúc
Trải qua 16 năm tham gia trong quân đội, 26 năm công tác trong ngành Tuyên giáo, ông nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc giáo dục truyền thống cách mạng.
Điểm lại thành tựu của Thủ đô trong lịch sử, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội Phạm Thanh Học nhấn mạnh: Thủ đô Hà Nội trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ; bị tổn thương mất mát rất nhiều nhưng Thủ đô đã vươn lên, vượt qua đau thương mất mát để luôn luôn xứng đáng với vị trí, vai trò trái tim của cả nước, trung tâm lớn về chính trị, văn hoá, kinh tế…
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Thủ đô xứng đáng với vai trò trái tim, là hậu phương lớn cho miền Nam. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Hà Nội đựợc gọi là Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người…Và ngày nay, Hà Nội đang phát triển lớn mạnh; chưa khi nào thành phố có được quy mô, vị thế, tầm vóc và cơ hội phát triển như bây giờ.
Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội Phạm Thanh Học khẳng định, trong 70 năm qua Hà Nội đã làm được nhiều việc kỳ vĩ. Trước những tình thế khó khăn phức tạp Hà Nội vẫn mạnh mẽ vượt qua. Gần đây nhất, bão Yagi gây ảnh hưởng trực tiếp tới Hà Nội. Những hình ảnh từ các đồng chí lãnh đạo cao nhất, tới các đoàn viên thanh niên trong phòng chống bão là tấm gương sống, tiếp bước tinh thần Ba sẵn sàng năm xưa.
“Những truyền thống hàng nghìn năm lịch sử, đặc biệt là trong 70 năm xây dựng và phát triển Thủ đô cần phải được thế hệ trẻ ngày nay hiểu, ghi nhớ, tự hào, giữ gìn và phát huy. Thanh niên Thủ đô phải biết tự hào vì mình là người Hà Nội, mình đang sống ở Hà Nội và có nhiệm vụ xây dựng Thủ đô. Cá nhân tôi có lòng tin vào thế hệ trẻ và chúng ta sẽ xây dựng được Thủ đô sáng, xanh, sạch, đẹp, văn minh và đáng sống vì đây là trái tim của cả nước”, ông Phạm Thanh Học bày tỏ.