Thiếu máu, thiếu sắt ở trẻ em: Hiểu đúng và phòng ngừa hiệu quả

SH
Biểu hiện của thiếu máu, thiếu sắt thường gặp như da xanh xao, chóng mặt, tay chân lạnh, biếng ăn, chậm phát triển và dễ mắc các bệnh nhiễm trùng.

Biểu hiện của thiếu máu, thiếu sắt

Thiếu máu thiếu sắt hiện là một trong những bệnh lý dinh dưỡng phổ biến, có thể gặp ở cả hai giới và mọi độ tuổi. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc bệnh cao hơn ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và đặc biệt là trẻ em.

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, tình trạng này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sự phát triển thể chất, trí tuệ của trẻ em.Thiếu máu thiếu sắt xảy ra khi lượng hemoglobin trong máu thấp hơn mức bình thường. Đây là dạng thiếu máu phổ biến nhất ở trẻ em, với các biểu hiện thường gặp như da xanh xao, chóng mặt, tay chân lạnh, biếng ăn, chậm phát triển và dễ mắc các bệnh nhiễm trùng.

Sau khi chào đời, sữa mẹ là nguồn cung cấp sắt chính cho trẻ. Dù hàm lượng sắt trong sữa mẹ không cao nhưng có khả năng hấp thu tốt. Trẻ nhỏ không được bú mẹ đầy đủ rất dễ thiếu sắt, dẫn đến thiếu máu. Nhu cầu sắt ở trẻ em cao hơn người lớn tính theo thể trọng, do tốc độ tăng trưởng nhanh.

Trong khi đó, lượng thực phẩm trẻ em tiêu thụ lại hạn chế, dễ khiến cơ thể thiếu hụt vi chất quan trọng này. Chế độ ăn bổ sung cũng là một yếu tố cần lưu ý. Thức ăn thường dùng cho trẻ như bột gạo vốn nghèo sắt, lại khó hấp thu. Nếu khẩu phần ăn thiếu thực phẩm giàu dinh dưỡng như thịt, cá, trứng, rau xanh... hoặc trẻ được cho ăn dặm quá sớm bằng các loại thực phẩm nghèo vi chất, nguy cơ thiếu máu thiếu sắt càng gia tăng.

Dinh dưỡng từ thực phẩm giàu sắt

Nhu cầu sắt mỗi ngày thay đổi theo độ tuổi và giới tính. Trẻ em từ 7-12 tháng tuổi cần khoảng 11mg sắt/ngày, trẻ em từ 1-3 tuổi cần 7mg, trẻ 4-8 tuổi cần 10mg, trong khi thanh thiếu niên từ 14-18 tuổi cần tới 15mg (nữ) và 11mg (nam).

Nguồn sắt lý tưởng nhất là từ thực phẩm có nguồn gốc động vật như gan, tim, thịt đỏ, gia cầm, cá, trứng... Đây là các loại thực phẩm giàu sắt có tỷ lệ hấp thu cao.

Sắt có trong thực phẩm nguồn gốc thực vật như các loại đậu, rau xanh, ngũ cốc tuy dồi dào nhưng hấp thu kém hơn. Việc hấp thu sắt từ thực vật sẽ được cải thiện nếu kết hợp với vitamin C từ hoa quả như cam, bưởi, đu đủ, dứa...

Nên tăng cường thực phẩm giàu sắt cho trẻ em
Nên tăng cường thực phẩm giàu sắt cho trẻ em

Một số chất trong thực vật như tanin (trà), phytat (ngũ cốc chưa nảy mầm), và chất xơ lại cản trở hấp thu sắt. Vì vậy, việc cân đối khẩu phần ăn có vai trò quan trọng để trẻ em nhận đủ lượng sắt cần thiết.

Phòng ngừa thiếu máu, thiếu sắt

Việc phòng tránh thiếu máu thiếu sắt nên bắt đầu từ giai đoạn mang thai. Người mẹ cần được bổ sung viên sắt theo hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo dự trữ sắt cho thai nhi. Sau sinh, trẻ nhỏ cần được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, ăn dặm đúng thời điểm và hợp lý.

Trẻ em lớn hơn cần có chế độ ăn đa dạng, giàu thực phẩm chứa sắt và kết hợp các món giàu vitamin C. Ngoài ra, cần tẩy giun định kỳ, giữ vệ sinh cá nhân và môi trường sống sạch sẽ để hỗ trợ hấp thu dinh dưỡng tốt hơn.

Thiếu máu, thiếu sắt gây ảnh hưởng đến sức khỏe và học tập
Thiếu máu, thiếu sắt gây ảnh hưởng đến sức khỏe và học tập

Thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em thường được phát hiện thông qua xét nghiệm máu. Nếu được chẩn đoán, trẻ sẽ được bác sĩ chỉ định điều trị bằng chế độ ăn hoặc bổ sung sắt phù hợp với tình trạng cụ thể. Phụ huynh không nên tự ý cho trẻ uống viên sắt nếu chưa có chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa.

Với sự quan tâm và chăm sóc đúng cách, trẻ em hoàn toàn có thể tránh xa nguy cơ thiếu máu thiếu sắt, phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ trong những năm tháng đầu đời.

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Thiếu máu, thiếu sắt ở trẻ em: Hiểu đúng và phòng ngừa hiệu quả tại chuyên mục Tư Vấn - Chia Sẻ của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Tư Vấn - Chia Sẻ khác

Phát triển thể chất toàn diện trong mùa hè

Mùa hè mang đến khoảng thời gian nghỉ ngơi thư giãn cho chúng mình sau một năm học tập căng thẳng. Đây cũng là thời gian hữu ích giúp teen phát triển vượt trội về chiều cao, tăng cân nặng thích hợp và tích lũy các trải nghiệm thực tế cho phát triển trí tuệ trong tương lai.

9 lợi ích tuyệt vời của gừng đối với sức khỏe

Không chỉ là gia vị quen thuộc trong bữa ăn hằng ngày, gừng còn được ví như một “thần dược” tự nhiên với nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Chất Gingerol hoạt chất sinh học chủ yếu trong gừng có khả năng chống viêm, chống oxy hóa mạnh, giúp tăng cường miễn dịch, giảm đau và cải thiện sức khỏe tổng thể.