Về với Làng Nủ những ngày gần Tết (kỳ 1)

Trường Phạm - Ngọc Nguyễn
Những ngôi nhà đẹp đẽ, chắc chắn được dựng lên; điểm trường tiểu học và mầm non khang trang được đưa vào hoạt động; nụ cười đã trở lại trên những khuôn mặt trẻ thơ và người dân,... là những điều tích cực mà mọi người đều cảm nhận thấy khi đến với thôn Làng Nủ vào những ngày cận Tết Ất Tỵ.

Sáng ngày 10/9/2024, do ảnh hưởng của siêu bão Yagi gây mưa lớn kéo dài, một trận lũ quét kinh hoàng đã ập xuống thôn Làng Nủ, xã Bảo Khánh (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) đã làm 67 người chết và mất tích. Ngay sau đó, chính quyền, quân đội, công an đã vào cuộc đưa nạn nhân bị thương cấp cứu; tìm kiếm những người mất tích trong mênh mông bùn, đất, nước trộn lẫn. Nỗ lực là vậy nhưng vẫn còn 7 nạn nhân mất tích. Đó là nỗi đau với người dân thôn Làng Nủ nhưng cũng đã thể hiện sự đoàn kết của người dân Việt Nam trong gian khó. Nhiều chuyến hàng hỗ trợ đã đến với người dân của thôn nói riêng và tỉnh Lào Cai nói chung trong những ngày bão tố.

Những tàn tích sau trận lũ quét tại thôn Làng Nủ
Những tàn tích sau trận lũ quét tại thôn Làng Nủ

Làng Nủ có diện mạo mới

Ngay khi bão đi qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo huy động nguồn lực, khôi phục cơ sở hạ tầng, hỗ trợ tái sản xuất, ổn định đời sống nhân dân tại thôn Làng Nủ. Tỉnh Lào Cai đã nhanh chóng phối hợp cùng các mạnh thường quân xây dựng khu tái định cư, Binh đoàn 12 thuộc Bộ Quốc phòng đảm nhiệm nhiệm khảo sát, lựa chọn địa điểm xây dựng Làng Nủ mới.

Những ngôi nhà mới khang trang được xây dựng ở khu tái định cư Làng Nủ
Những ngôi nhà mới khang trang được xây dựng ở khu tái định cư Làng Nủ

Đến nay, 40 ngôi nhà khang trang, kiên cố được xây theo kiến trúc của người Tày đã được bàn giao cho người dân. Bên cạnh đó, trên vùng đất tái định cư đã được xây thêm nhà văn hóa, trường học, tạo điều kiện cho người dân và học sinh dễ dàng trong sinh hoạt và ổn định lâu dài.

Cô Lương Thị Hữu cùng các em học sinh tại điểm trường Làng Nủ mới
Cô Lương Thị Hữu cùng các em học sinh tại điểm trường Làng Nủ mới

Cô giáo Lương Thị Hữu, giáo viên mầm non tại Điểm trường Làng Nủ (trường Mầm non số 1 Phúc Khánh) cho biết: "Cô và trò mới chuyển đến trường mới vào Thứ Hai (30/12/2024), ngôi trường mới có cơ sở, vật chất tốt hơn nhiều so với trường cũ, đảm bảo việc dạy và học của cô và trò. Hiện trường có 37 trẻ mầm non đang theo học. Chúng tôi cảm ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm đến cuộc sống của người dân Làng Nủ và việc học tập của các em học sinh".

Ở vùng đất nơi vụ lũ quét xảy ra, xã Phúc Khánh đã xây dựng một tấm bia tưởng niệm 67 người gặp nạn. Bên cạnh đó, Nhà Văn hoá - Trung tâm học tập cộng đồng thôn Làng Nủ đã được dựng lên, ở trong đó như một bảo tàng thu nhỏ, kể câu chuyện bằng hình ảnh Làng Nủ trong thảm họa thiên nhiên đến khi tái thiết. 

Chị Kim không giấu được những giọt nước mắt khi nhớ về trận lũ quét
Chị Kim không giấu được những giọt nước mắt khi nhớ về trận lũ quét

Chị Nguyễn Thị Kim, một trong các nạn nhân và cũng là người đã mất 11 người thân trong trận lũ quét, hiện nay là hướng dẫn viên, chia sẻ câu chuyện của Làng Nủ với những vị khách phương xa. Chị Kim cho biết, hiện chị vẫn đang quá trình hồi phục sức khoẻ nhưng muốn chia sẻ những mất mát của người dân, công cuộc tái thiết ngôi làng để từ đó có được sự thấu hiểu và đồng cảm từ mọi người. Mỗi lần như vậy, chị không giấu nổi những giọt nước mắt vì những gì đã trải nhưng kèm với đó là nụ cười khi ngôi làng đã hồi sinh, cuộc sống của người dân đã đi vào ổn định.

Chị Nguyễn Thị Kim trở thành hướng dẫn viên cho những đoàn khách phương xa đến thăm Làng Nủ
Chị Nguyễn Thị Kim trở thành hướng dẫn viên cho những đoàn khách phương xa đến thăm Làng Nủ

Niềm vui đã trở lại trên những gương mặt học trò

Trường Tiểu học và THCS Phúc Khánh có 13 học sinh gặp nạn trong trận lũ quét, các em vĩnh viễn không thể đến trường học tập và vui chơi cùng các bạn. Ngoài ra, cũng chừng ấy học sinh trở thành mô côi, khi mất đi cha hoặc mẹ, đặc biệt có em Gia Bảo (lớp 2) đã mồ côi cha mẹ, bản thân bị thương nặng, phải mất nhiều thời gian hồi phục.

Các em học sinh ở trường Tiểu học và THCS Phúc Khánh
Các em học sinh ở trường Tiểu học và THCS Phúc Khánh

Tổng số học sinh của trường là hơn 320, có 127 học sinh nhà ở thôn Làng Nủ. Ngay sau khi cơn bão đi qua, nhà trường đã đưa gần 191 học sinh của Làng Nủ và các làng xung quanh về ở học tập bán trú vì gia đình bị mất nhà do bão lũ, cho thầy cô tiện chăm sóc và ổn định tâm lý cho học trò. Thời gian qua, thầy và trò nhà trường cũng nhận được sự động viên, giúp đỡ của chính quyền, các nhà hảo tâm nhằm ổn định việc dạy và học.

Niềm vui đã trở lại với những học sinh nơi đây
Niềm vui đã trở lại với những học sinh nơi đây

Đến với trường Tiểu học và THCS Phúc Khánh, phóng viên báo Đội thấy được nụ cười đã nở trên môi các em học sinh nơi đây. Nỗi buồn đã dần nguôi ngoai, việc học tập đã đi vào quỹ đạo. Thầy Phạm Đức Vinh - Hiệu trưởng trường Tiểu học và THCS Phúc Khánh cho biết: "Đến thời điểm hiện nay, các em phần nào đã nguôi đi nỗi đau mất người thân. Nhà trường thường xuyên cắt cử giáo viên ở lại trường để chăm sóc, lắng nghe chia sẻ của các em. Trường cũng vui mừng khi thời gian qua, các em học sinh được nhận nuôi cho đến năm 18 tuổi. Đó cũng an ủi phần nào, tiếp sức cho các em tiếp tục đến trường, học tập tốt".

Thầy Phạm Đức Vinh, Hiệu trưởng trường Tiểu học và THCS Phúc Khánh
Thầy Phạm Đức Vinh, Hiệu trưởng trường Tiểu học và THCS Phúc Khánh

Em Hoàng Anh Quân (học sinh lớp 8), bị mất bố trong cơn bão Yagi chia sẻ: "Ở trường em nhận được sự giúp đỡ của các thầy cô như mua sách giáo khoa mới, chia sẻ, động viên em học tập tốt. Các thầy cô dễ gần, yêu mến học sinh đã giúp chúng em ổn định tâm lý, có niềm vui trở lại".

Thời gian qua, học sinh nhà trường nhận được nhiều sự hỗ trợ của chính quyền và các nhà hảo tâm
Thời gian qua, học sinh nhà trường nhận được nhiều sự hỗ trợ của chính quyền và các nhà hảo tâm

Với nhiều học sinh của trường Tiểu học và THCS Phúc Khánh, trận lũ quét kinh hoàng sẽ còn nằm mãi trong ký ức. Nhưng tin rằng, với sự giúp đỡ, hỗ trợ của thầy cô và những người tốt xung quanh, các em sẽ có môi trường tốt để học tập, lớn lên và sống tiếp cuộc đời chưa trọn vẹn của những người thân thật đẹp đẽ và thực hiện được những ước mơ, hoài bão... 

 

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Về với Làng Nủ những ngày gần Tết (kỳ 1) tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác

Các quốc gia trên thế giới đón năm mới thế nào?!

Các quốc gia trên thế giới có những phong tục và truyền thống độc đáo để đón năm mới, phản ánh văn hóa và lịch sử riêng của từng nơi. Dưới đây là một số cách đón năm mới tại các quốc gia tiêu biểu: