13 học sinh ngộ độc
Sau khi uống nước ngọt phát miễn phí tại cổng trường THCS Bình Minh (huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội), 25 học sinh biểu hiện ngộ độc, trong đó 13 bạn nhập viện.
Theo thông tin từ UBND xã Bình Minh xác nhận, trước đó, các bạn học sinh này nhận các chai nước ngọt dạng trà, nước bên trong màu vàng nâu, được phát miễn phí ở cổng trường theo dạng hàng quảng cáo sản phẩm. Bệnh viện Đa khoa Thanh Oai cho biết, vào hồi 16:30 ngày 30/9/2024, tại phòng cấp cứu bệnh viện đã tiếp nhận 13 em học sinh trường THCS Bình Minh nghi ngộ độc thực phẩm, các Bác sĩ đã cấp cứu kịp thời, đặt Sonde và rửa dạ dày cấp cứu, bồi phụ nước cân bằng điện giải, tăng đào thải độc chất. Đến 10:00 ngày 1/10/2024, sức khoẻ của các học sinh đã ổn định, vẫn đang được điều trị và theo dõi.
Đáng nói là việc những đơn vị, cá nhân bày bán, phát miễn phí thực phẩm tại cổng trường không còn là câu chuyện mới mẻ. Nhiều trường học trên địa bàn thủ đô đều có những hàng ăn di động đứng gần cổng, đối tượng phục vụ chính là học sinh trong trường. Tuy nhiên, hiện nay việc kiểm soát học sinh mua đồ ăn trước cổng trường còn gặp nhiều khó khăn, cần có sự vào cuộc của nhiều cơ quan chức năng và nhà trường
Đã ban hành kế hoạch kiểm soát an toàn thực phẩm trong và ngoài nhà trường
Bất ngờ hơn, trước sự việc ngộ độc tại trường THCS Bình Minh diễn ra, UBND TP. Hà Nội đã ban hành kế hoạch số 210/KH-UBND về chuyên đề “Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP) trong và xung quanh cổng trường học trên địa bàn TP Hà Nội” vào tháng 7/2024. Trong đó, UBND Thành phố giao Sở Y tế là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm Thành phố, hướng dẫn thực hiện các quy định ATTP cho bếp ăn tập thể, căng tin trường học và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố xung quanh cổng trường học.
Sở GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục bố trí các giờ giảng phù hợp, tổ chức sinh hoạt dưới cờ, giờ sinh hoạt của lớp, tổ chức hoạt ngoại khoá lồng ghép về ATTP trong và ngoài trường học, trình chiếu các clip phim phóng sự ngắn, giới thiệu các hình ảnh trực quan về ATTP phù hợp với từng nhóm tuổi của học sinh. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc thực hiện kế hoạch “Tăng cường kiểm soát ATTP trong trường học và xung quanh cổng trường học”, giám sát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu: chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong các cơ sở giáo dục; tuân thủ quy trình giao nhận, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thức ăn theo quy định.
Chỉ đạo các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố tăng cường theo dõi đối với hoạt động kinh doanh thực phẩm xung quanh khu vực trường học. Hướng dẫn nhà trường phối hợp với các cơ quan chức năng, hội phụ huynh học sinh giám sát chặt chẽ các sản phẩm thực phẩm tặng miễn phí hoặc chương trình giới thiệu, quảng cáo, bán, hỗ trợ nhân đạo mà các tổ chức, cá nhân thực hiện trong khu vực trường học.
UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, thống kê các cơ sở giáo dục, bếp ăn tập thể, căng tin trường học. Điều tra, rà soát, cập nhật thường xuyên, liên tục các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố theo từng ngành hàng, mặt hàng thực phẩm xung quanh cổng trường học trên địa bàn quản lý. Đánh giá kiến thức, thực hành của người lãnh đạo quản lý, người tham gia chế biến thực phẩm tại bếp ăn tập thể, căng tin trường học và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, điều kiện ATTP xung quanh cổng trường học.
Chỉ đạo cung cấp đầy đủ thông tin danh sách các cơ sở kinh doanh cung cấp nguồn nguyên liệu chế biến thực phẩm, cung cấp xuất ăn sẵn đảm bảo các điều kiện về ATTP trên địa bàn. Lồng ghép, phối hợp với các chuyên đề, các mô hình điểm về ATTP; Phòng ngừa ngăn chặn và khắc phục sự cố về ATTP xảy ra trên địa bàn quản lý. Có phương án xử lý, nghiêm cấm các điểm bán hàng trên vỉa hè, lòng lề đường, hàng rong trước cổng trường đảm bảo trật tự công cộng, mỹ quan đô thị và tiềm ẩn nguy cơ mất ATTP.
UBND Thành phố yêu cầu triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả công tác kiểm soát ATTP trong và xung quanh cổng trường học có trọng tâm, trọng điểm, tập trung nhóm thực phẩm có nguy cơ cao, thức ăn đồ uống ăn ngay, các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn. Công tác kiểm tra, giám sát, truy xuất nguồn gốc thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học được thực hiện nghiêm túc thường xuyên, liên tục. Định kỳ đánh giá, có các hình thức động viên, khen thưởng kịp thời, thực hiện theo phân công, phân cấp quản lý.
Như vậy, có thể thấy UBND cùng các sở, ban, ngành của TP. Hà Nội đã đưa ra các giải pháp cụ thể đảm bảo ATTP trong nhà trường. Điều cần thiết lúc này là phải đảm bảo các cơ quan có sự phối hợp hiệu quả để ngăn chặn những sự việc làm mất ATTP như vừa diễn ra tại trường THCS Bình Minh.