Nhiều nghiên cứu dinh dưỡng cho thấy việc ăn trái cây trước bữa ăn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Nhờ hàm lượng nước và chất xơ cao, trái cây giúp tạo cảm giác no nhanh, từ đó làm giảm tổng lượng thức ăn tiêu thụ trong bữa chính. Điều này đặc biệt hữu ích đối với người đang theo đuổi chế độ ăn kiểm soát cân nặng.

Ngoài ra, ăn trái cây giàu chất xơ trước hoặc vào đầu bữa ăn có thể giúp kiểm soát đường huyết, nhất là với những bữa ăn giàu tinh bột như cơm trắng hoặc bánh mì. Chất xơ giúp làm chậm quá trình hấp thu đường, từ đó hạn chế tình trạng tăng đường huyết đột ngột yếu tố quan trọng với người mắc đái tháo đường hoặc cần duy trì mức năng lượng ổn định.
Một số loại trái cây như đu đủ, dứa, táo xanh, kiwi… còn chứa enzyme tiêu hóa tự nhiên (như papain, bromelain), giúp phân giải protein trong các món ăn chính, từ đó giảm cảm giác đầy bụng, khó tiêu. Trái cây ngọt cũng cung cấp đường tự nhiên dễ hấp thu, hỗ trợ cung cấp năng lượng nhẹ nhàng cho hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn. Đồng thời, việc ăn trái cây trước bữa còn giúp giảm cảm giác thèm đồ ngọt sau ăn.

Tuy nhiên, một số trường hợp cần lưu ý khi áp dụng thói quen này. Người có vấn đề về dạ dày thực quản, viêm loét dạ dày hoặc dạ dày nhạy cảm nên tránh ăn trái cây khi bụng đói, đặc biệt là các loại có tính axit cao như cam, chanh, quýt, bưởi, dứa… do có thể gây kích ứng niêm mạc, dẫn đến cảm giác cồn cào, trào ngược hoặc đau bụng âm ỉ.
Với những người mắc hội chứng ruột kích thích (IBS) hoặc có hệ tiêu hóa nhạy cảm, lượng fructose cao trong một số loại trái cây có thể không được hấp thu hoàn toàn nếu ăn lúc bụng rỗng. Điều này dễ gây ra các triệu chứng như đầy hơi, chướng bụng, tiêu chảy…
Ngoài ra, các loại trái cây có chỉ số đường huyết cao như nho, xoài, mít… nếu ăn trước bữa có thể làm tăng nhanh mức đường huyết, không phù hợp với người đang kiểm soát bệnh lý chuyển hóa. Để đảm bảo cân bằng dinh dưỡng, người trưởng thành chỉ nên dùng một phần trái cây vừa phải (khoảng 100g) trước bữa ăn.