Theo chỉ đạo, các đơn vị cần quán triệt nội dung công điện của Thủ tướng Chính phủ đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; nghiêm túc thực hiện các yêu cầu về đảm bảo kỷ cương, an toàn giao thông và đi lại trong dịp lễ. Bộ KH&CN cũng yêu cầu tăng cường phương án đảm bảo thông tin liên lạc trong suốt kỳ nghỉ.

Để đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ viễn thông, các doanh nghiệp viễn thông triển khai nhiều giải pháp như: bảo đảm an toàn mạng lưới, mở rộng dung lượng đường truyền, băng thông kết nối trong nước và quốc tế nhằm tránh tình trạng nghẽn mạng khi lượng truy cập tăng cao. Xe phát sóng lưu động và các trạm BTS lưu động cũng được tăng cường tại những khu vực tập trung đông người như lễ diễu binh, diễu hành, quảng trường, công viên, phố đi bộ và các địa điểm bắn pháo hoa.
Bộ KH&CN nhấn mạnh việc các doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó sự cố, hỗ trợ lẫn nhau trên cùng địa bàn thông qua các hình thức như roaming, chia sẻ hạ tầng, đảm bảo đáp ứng tối đa nhu cầu phát sinh từ cơ quan, tổ chức và người dân. Ngoài ra, yêu cầu đặt ra là đảm bảo an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ tại các cơ quan, đơn vị và chủ động phương án thông tin liên lạc trong công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn khi cần thiết.

Tập đoàn VNPT cũng đã chủ động triển khai bổ sung trạm phát sóng dã chiến, xe phát sóng lưu động tại các điểm diễn ra lễ hội và thiết lập đường truyền phục vụ truyền hình trực tiếp các sự kiện lớn. Hiện tại, mạng lưới VNPT đã sẵn sàng phục vụ nhu cầu tại 57 địa điểm tổ chức sự kiện, khu du lịch đông người trong dịp lễ.

Riêng tại TP. Hồ Chí Minh, VNPT đã tăng cường năng lực phát sóng tại 18 địa điểm trọng điểm, đồng thời bố trí đầy đủ đội ngũ nhân viên trực kỹ thuật, hỗ trợ khách hàng liên tục trong kỳ nghỉ. Khoảng 3.000 nhân lực kỹ thuật của VNPT sẽ trực tuyến 24/7, sẵn sàng xử lý mọi tình huống phát sinh, đảm bảo chất lượng dịch vụ cho khách hàng trong suốt kỳ nghỉ lễ.