Tôi vẫn nhớ như in một ngày tháng 10 năm 1978, bác tôi gọi tôi đến bảo từ nay sẽ đặt cho con mỗi tuần một tờ báo Đội Thiếu Niên Tiền Phong, con nên đọc tờ báo này vì rất phù hợp với độ tuổi của con, con sẽ học hỏi được nhiều điều từ đây.
Vậy là tôi bắt đầu làm quen và mê mẩn ngay với tờ báo có trang cuối cùng luôn dành cho truyện tranh hết sức hấp dẫn. Có ba cái tên họa sĩ vẽ tranh mà tôi vẫn nhớ đến tận bây giờ, đó là: Phan Doãn, Mạnh Quỳnh, Tạ Lựu. Tranh của bác Phan Doãn ngay ngắn, chuẩn mực; tranh bác Mạnh Quỳnh thì phóng khoáng, bay bổng; tranh bác Tạ Lựu thì tung tẩy, hài hước. Mỗi truyện tranh kéo dài nhiều kỳ nên tuần nào tôi cũng có một niềm háo hức chờ đón tờ báo mới về.
Phóng viên Minh Tự cùng tờ báo kỷ niệm "Chuyện bác Hai" đoạt giải Khuyến khích trong cuộc thi viết “Em yêu đồng ruộng quê em” do Báo Thiếu Niên Tiền Phong phối hợp với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) phát động trên toàn quốc toàn năm 1983. Đây là bài đoạt giải duy nhất của tỉnh Bình Trị Thiên năm ấy.
Sau đó vài năm thì báo khởi đăng những truyện dài nhiều kỳ rất hấp dẫn, trong đó truyện dài “Người vô hình” đã khiến tôi trở thành người kể chuyện của lớp. Khi truyện này đăng thì tôi học lớp 7. Trong lớp và hình như là cả trường cấp 2 Lộc An A (huyện Phú Lộc, tỉnh Bình Trị Thiên) chỉ mình tôi có tờ báo này. Vì vậy, sau khi đọc xong một kỳ mới của “Người vô hình”, tôi lại đến lớp kể lại cho tụi bạn nghe. Cứ giờ ra chơi giữa buổi, tụi bạn lại xúm quanh để hồi hộp nghe tôi kể lại diễn biến mới của “Ngươi vô hình”.
Nhờ tờ báo mà tôi biết được tin quân bành trướng Trung Quốc tấn công sáu tỉnh biên giới, biết đến anh hùng Lê Đình Chinh và nhà báo Nhật Takano Isao đã ngã xuống trong những ngày ác liệt đó…
Báo Thiếu Niên Tiền Phong luôn là người bạn đồng hành tin cậy của tuổi thơ Việt Nam qua nhiều thế hệ.
Cám ơn tờ báo đã cho tôi một vốn kiến thức như một cuốn từ điển bách khoa, cho tôi bay bổng trí tưởng tượng và giấc mơ “Năm 2000 em sẽ sống như thế nào?”; khơi dậy lòng yêu nước cho tôi từ khi còn tấm bé với những câu chuyện khi Tổ quốc lâm nguy; cho tôi được kể câu chuyện của làng quê mình với bạn bè cả nước qua cuộc thi “Em yêu đồng ruộng quê em”…
Tôi đã đọc báo Đội đều đặn mỗi tuần cho đến khi học xong lớp 9, rời trường làng lên phố vào lớp chuyên văn của tỉnh. Vốn liếng để tôi đua tranh với đám bạn bè giỏi giang nơi thành phố chính là kiến thức và vốn từ ngữ tiếng Việt mà tôi học được một phần không nhỏ trên báo TNTP.