Singapore và Malaysia: Gỏi cá Yu Sheng
Mâm cơm đầu năm mới của người Singapore và Malaysia không thể thiếu món ăn truyền thống được gọi là gỏi cá Yu Sheng. Món ăn này thường được dùng làm khai vị trong bữa tiệc đầu năm với ý nghĩa mang lại khởi đầu may mắn, thịnh vượng cho gia chủ.
Gỏi cá Yu Sheng gồm nhiều nguyên liệu như cá hồi sống thái lát mỏng (có thể thay bằng cá thu), các loại rau củ như đu đủ, bưởi, cà rốt, củ cải xanh, củ cải trắng, lạc rang, vừng… Để thưởng thức món ăn này “đúng điệu”, thực khách sẽ xới món ăn lên càng cao càng tốt và trộn đều với nước sốt từ quả mận rồi thưởng thức.
Hàn Quốc: Canh bánh gạo (Tteokguk)
Tteokguk là món canh bánh gạo truyền thống của người Hàn Quốc, thường được nấu để ăn vào ngày đầu năm mới với hy vọng mang tới may mắn cho mọi người. Người Hàn Quốc cũng quan niệm nếu không ăn canh tteokguk trong ngày đầu năm, nghĩa là bạn đã không trưởng thành thêm tẹo nào so với năm qua.
Món Tteokguk được làm từ bột gạo, trứng thái chỉ, đậu hũ, thịt bò, rong biển, nước xương bò hầm, hành hoa. Bánh gạo được thái vát, miếng mỏng, hình bầu dục và có màu trắng tượng trưng cho sự thanh khiết và trường thọ của con người và vạn vật.
Nhật Bản: Osechi ryori
Mặc dù Nhật Bản đã chuyển sang đón Tết Dương lịch nhưng vào những ngày đầu năm (theo Âm lịch), người Nhật vẫn duy trì các phong tục truyền thống. Những món ăn đặc trưng trong ngày Tết của người Nhật Bản được gọi chung là Osechi ryori, được chế biến từ đậu đen, cá và hải sản - những nguyên liệu nấu ăn phổ biến ở quốc gia này. Theo quan niệm của người Nhật Bản, đậu đen, cá và hải sản sẽ giúp họ có sự năng động, hoạt bát hơn, trí não sáng suốt hơn để làm việc hiệu quả.
Tất cả những món ăn trong năm mới thường được người Nhật Bản bảo quản trong những chiếc hộp gỗ sơn mài rất đẹp. Họ quan niệm rằng, hộp gói thức ăn càng đẹp bao nhiêu thì niềm hy vọng bội thu trong năm mới càng lớn bấy nhiêu.
Lào: Món lạp
Tết của người Lào được gọi là Songkran hoặc Pi Mai. Người dân “đất nước triệu voi” thường đón năm mới muộn hơn chúng ta - vào khoảng giữa tháng 4 Dương lịch hàng năm. Lạp được xem như “linh hồn” trong mâm cơm đầu năm, bởi lạp có ý nghĩa là phúc lộc dồi dào và may mắn trong tiếng Lào.
Món ăn này gồm thịt gà hoặc thịt bò băm nhỏ rồi trộn với nhiều loại rau thơm, nước cốt chanh và thính nếp rang vàng, ăn kèm với cơm nếp dẻo. Người Lào cũng nấu món lạp để tặng cho nhau thay lời chúc đầu năm mới và mong ước tài lộc đến với người thân.
Trung Quốc: Sủi cảo
Ngày đầu năm mới, người Trung Quốc có thói quen thưởng thức món sủi cảo vì quan niệm món ăn có hình dạng giống như những đồng tiền cổ tượng trưng cho sự giàu có và thịnh vượng này sẽ mang lại tài lộc cho cả năm.
Theo truyền thống, vào đêm Giao thừa, các gia đình thường quây quần bên nhau gói sủi cảo và thưởng thức trong bầu không khí đầm ấm của ngày Tết. Khi ăn sủi cảo, người Trung Quốc thưởng chỉ ăn số chẵn, không ăn số lẻ. Không ai ăn hết số sủi cảo được múc ra bát mình, cũng không ai múc sạch chỗ sủi cảo được làm xong từ xoong ra bát mà bao giờ cũng để lại mấy chiếc (số chẵn) với ngụ ý năm mới của cải cũng dư thừa, gia đình thịnh vượng.
Việt Nam: Bánh chưng, bánh tét
Các gia đình trên dải đất hình chữ S thân thương của chúng ta có rất nhiều món ăn hấp dẫn trong mâm cỗ truyền thống ngày đầu năm, trong đó không thể thiếu bánh chưng. Bánh chưng được làm từ gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn, sau đó được gói vuông vức bởi lá dong và buộc bằng lạt làm từ cây giang.
Những chiếc bánh chưng vuông vắn thể hiện sự quy tụ của đất trời và vạn vật cỏ cây, thể hiện lòng biết ơn của con cháu với tổ tiên. Từ những ý nghĩa sâu xa đó, bánh chưng đã trở thành món ăn truyền thống của người Việt từ hàng nghìn năm trước.
Ở miền Trung và miền Nam, bên cạnh bánh chưng, người dân còn gói bánh tét. Loại bánh này có nguyên liệu tương tự bánh chưng nhưng được gói hình trụ. Ngày nay, nhiều gia đình vẫn giữ truyền thống gói bánh chưng, bánh tét. Gói xong, cả gia đình lại quây quần bên nồi bánh, vừa nấu bánh vừa hàn huyên tâm sự, ôn lại những kỷ niệm trong năm cũ và nói lên những mong muốn của mình trong năm mới.
Bài viết được đăng tải trên ấn phẩm Khoa học Khám phá, số Tết năm 2024, mời các bạn độc giả mua báo đón đọc nhé!
Còn nhiều bài viết hay, hấp dẫn, các câu chuyện thú vị đang chờ đón bạn khám phá tại ấn phẩm Khoa học Khám phá. Nếu bạn quan tâm có thể mua báo và đọc trực tuyến tại cửa hàng trực tuyến của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhé! |