Mâm cúng tết Đoan ngọ các miền

Bảo Bối
Mùng 5/5 hàng năm, người Việt thường chuẩn bị mâm cúng tết Đoan ngọ dâng lên thần linh, tổ tiên. Tùy theo vùng miền, lễ vật cúng Tết diệt sâu bọ có vài chi tiết khác nhau.

Tết Đoan ngọ, hay còn gọi tết Đoan dương, Tết diệt sâu bọ là ngày lễ truyền thống của người Việt, diễn ra vào mùng 5/5 âm lịch hàng năm.

Năm 2024, tết Đoan ngọ rơi vào thứ hai, ngày 10/6 dương lịch.

Theo truyền thống, vào ngày này, các gia đình sẽ chuẩn bị mâm cúng tết Đoan ngọ dâng lên thần linh, tổ tiên, mong một vụ mùa bội thu.

Tùy theo vùng miền, mâm cúng tết Đoan ngọ sẽ có những lễ vật khác nhau.

Mâm cúng tết Đoan ngọ miền Bắc

Ngoài hương và hoa tươi, mâm cúng tết Đoan ngọ miền Bắc sẽ có các loại quả (mận, vải), xôi chè, rượu nếp, cơm rượu, bánh gio…

Mâm cúng tết Đoan ngọ miền Bắc. Ảnh: Đoàn Phương Thảo
Mâm cúng tết Đoan ngọ miền Bắc. Ảnh: Đoàn Phương Thảo

Bánh gio: Loại bánh được làm từ gạo nếp, ngâm trong nước tro, gói bằng lá chuối. Bánh dễ ăn, dễ tiêu, ngon hơn khi ăn với đường hoặc mật. Theo người xưa, gạo nếp khi luộc trong lá sẽ hấp thu các đặc tính cây cỏ, giúp giải nhiệt, tiêu bệnh trong cơ thể.

Rượu nếp là món ăn đặc sắc trong ngày này. Người xưa tin rằng, rượu nếp có khả năng tiêu diệt sâu bọ, khiến chúng không thể gây hại trong cơ thể con người.

Món cơm rượu nếp cái hoa vàng không phải nơi đâu cũng có và ngon như ở miền Bắc. Do đó, đây là món phải có trong mâm cúng tết Đoan ngọ miền Bắc. Ngoài ra, một số nơi còn có thêm cơm rượu nếp cẩm.

Mâm cúng tết Đoan ngọ miền Trung

Giống như mâm cúng miền Bắc, mâm cúng tết Đoan ngọ của người miền Trung cũng có các lễ vật cơ bản như: Hương, hoa, rượu nếp, nước, các loại quả, bánh tro, bánh ú…

Ngoài ra, mâm cúng tết Đoan ngọ miền Trung không thể thiếu thịt vịt. Quan niệm xưa cho rằng, thịt vịt có tính mát, ăn vào sẽ giải nhiệt cho cơ thể, có khả năng bổ máu và tốt cho hệ tiêu hóa.

Mâm cúng tết Đoan ngọ của người miền Trung thường có thịt vịt. Ảnh: Thu Uyên
Mâm cúng tết Đoan ngọ của người miền Trung thường có thịt vịt. Ảnh: Thu Uyên

Cơm rượu trên mâm cúng miền Trung được làm theo phương pháp lên men cổ truyền, có hình dạng vuông vức.

Dù không phổ biến ở tất cả tỉnh thành, nhưng chè kê rất được ưa chuộng, thường xuất hiện trong mâm cúng tết Đoan ngọ của người miền Trung.

Mâm cúng tết Đoan ngọ miền Nam

Ngoài những lễ vật quen thuộc, mâm cúng tết Đoan ngọ miền Nam còn có nhiều món khác như:

Cơm rượu ở miền Nam được vo thành viên tròn và thêm nước đường, ăn giống như xôi chè ở miền Bắc.

Bánh ú Bá Trạng là món bánh tương tự bánh gio nhưng to hơn, được làm từ gạo nếp nhồi thêm nhân, sau đó luộc hoặc hấp. Bánh ú Bá Trạng có thể gói bằng lá sen, lá chuối…

Mâm cúng của người miền Nam có thêm món chè trôi nước. Ảnh: Phùng Bích Tâm
Mâm cúng của người miền Nam có thêm món chè trôi nước. Ảnh: Phùng Bích Tâm

Ở miền Nam, bánh ú còn nhiều biến tấu khác nhau, có cả nhân mặn và nhân ngọt (đậu xanh, sầu riêng…), gói bằng lá tre, lá dong…

Mâm cúng tết Đoan Ngọ miền Nam có thêm món chè trôi nước. Món chè này làm từ bột nếp trắng, nhân đậu xanh.

Chè trôi nước ăn cùng nước đường và nước cốt dừa với ý nghĩa tiêu diệt sâu bọ.

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

  • Tags
Bạn đang đọc bài viết Mâm cúng tết Đoan ngọ các miền tại chuyên mục Món ngon của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Món ngon khác