Theo Thông tư 29 mới ban hành, các trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm gồm: Không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kĩ năng sống.
Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường. Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lí, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.
Về vấn đề giám sát việc dạy thêm, học thêm, Thông quy quy định: Việc giám sát không chỉ có ngành Giáo dục hay chính quyền địa phương mà còn phải có giám sát toàn dân, của chính học sinh và phụ huynh trên cơ sở những quy định đã được ban hành.
Đối với dạy thêm, học thêm trong nhà trường, Thông tư mới hạn chế đối tượng được học thêm trong nhà trường gồm 3 đối tượng, là những đối tượng thuộc trách nhiệm của nhà trường và không thu tiền của học sinh: Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kỳ liền kề ở mức chưa đạt; học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng kí ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Về đối tượng người dạy: Với những đối tượng học sinh học thêm như trên, thông tư mới chỉ quy định giáo viên thuộc các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường để hạn chế việc giáo viên đưa học sinh của mình ra ngoài dạy thêm.
Phụ huynh vẫn có nhu cầu cho con học thêm
Ngay sau khi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kết thúc, chị Ngọc Huyền (Cầu Giấy, Hà Nội) có con đang học lớp 4 nhận thông báo của cô giáo chủ nhiệm là sẽ dừng việc dạy thêm cho học sinh. Trước đó, con chị học thêm mỗi tuần 2 buổi tại nhà của cô giáo với học phí mỗi tháng là 1 triệu đồng. Con chị là học sinh tiểu học, theo Thông tư 29 sắp có hiệu lực, cháu sẽ không tìm được người dạy thêm trong thời gian tới đây.
"Đối với gia đình tôi, việc cho con đi học thêm là nhu cầu. Chúng tôi mong muốn con sẽ được cô giáo ôn luyện thêm kiến thức ở trên lớp, được học cùng cô giáo và các bạn, con cũng chăm chú vào học tập hơn. Với tình hình hiện nay, gia đình sẽ phải chú ý việc học của con, bố và mẹ sẽ phân công dạy con học vào các ngày trong tuần", chị Huyền nói.
Chị Vũ Thủy (Hà Đông, Hà Nội) có con đang học lớp 1 cũng có cùng mong muốn cho con tiếp tục học thêm. Gia đình chị hiện đang kinh doanh 2 cửa hàng tiện lợi, vợ chồng thường bận đến tối muộn. Do đó, chị muốn con đi học thêm, gửi gắm cô giáo chủ nhiệm đốc thúc con học tập tốt hơn.
"Hai vợ chồng đều rất bận với công việc tại cửa hàng. Do đó, chúng tôi gửi gắm cô giáo kèm cặp con việc học và kết quả học tập của cháu cũng khá tốt. Cô dừng dạy thêm, tôi lo con không dành thời gian cho học tập hoặc xem TV khi bố mẹ không bên cạnh", chị Thủy nói.
Ngoài ra, phụ huynh cũng đắn đo với mức phí nếu cho con học thêm khi giáo viên ngừng dạy. Anh Văn Hùng, có con đang là học sinh THCS ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, mức phí học thêm của con với hai môn quan trọng là Ngữ Văn và Toán với chi phí gần 2 triệu đồng. Chưa kể, anh còn cho con học thêm tiếng Anh bên ngoài nhằm tăng cường khả năng ngoại ngữ.
"Nếu tôi thuê gia sư riêng cho con học, thì mức phí sẽ dao động từ 160.000 đến 500.000 đồng cho từng buổi học và môn học. Bên cạnh là chất lượng người dạy, với những gia sư có kiến thức và kỹ năng sư phạm như giáo viên, đương nhiên học phí sẽ cao hơn. Chưa kể con học thêm để lấy chứng chỉ IELTS với học phí 4 triệu đồng mỗi tháng. Như vậy, số tiền học thêm của con sẽ tăng thêm đáng kể", anh Hùng cho biết.
Với học sinh tiểu học, việc học thêm sẽ nan giải hơn khi trong Thông tư 29, Bộ GD&ĐT yêu cầu, các nhà trường và giáo viên không dạy thêm cho học sinh ở lứa tuổi nhỏ này. Chị Kim Dung (Đống Đa, Hà Nội) bộc bạch: "Con tôi hiện đang học lớp 2. Mặt khác, SGK mới hiện nay có phương pháp dạy học hiện nay có sự khác biệt nhiều so với sách cũ. Bố mẹ có thuê gia sư cho con, tuy nhiên, nếu người dạy không có kỹ năng sư phạm và am hiểu phương pháp giáo dục mới cũng khó để giúp con học tốt được".
Hiện nay, trên thế giới, có một số quốc gia, vùng lãnh thổ cho phép dạy thêm, học thêm. Ví dụ: Trung Quốc cho phép dạy thêm, học thêm trong nhà trường nhưng cấm ngoài nhà trường, hiện nay Trung Quốc đang dự thảo quy định về dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường; Thái Lan vẫn có trường công tổ chức dạy thêm, học thêm; Hàn Quốc, Nhật Bản cho phép dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường; Đài Loan được tổ chức dạy thêm, học thêm cả trong và ngoài nhà trường; Singapore tổ chức dạy thêm trong trường công miễn phí... |