Tới Phú Thọ nhớ ăn bún cọ

TNTP Chủ Nhật
Phú Thọ là vùng đất của “rừng cọ, đồi chè”. Đời sống của người dân nơi đây gắn bó với cây cọ bao đời nay. Lá cọ được dùng để lợp mái nhà, làm quạt, chổi, nón, mành; thân cọ làm ván sàn, cột nhà; còn quả cọ là nguyên liệu không thể thiếu của nhiều món ăn. Để tớ kể các bạn nghe...

Những trái cọ trứ danh

Trên đường đi tham quan các huyện, thị của đất Tổ, tớ đã vô cùng choáng ngợp trước cảnh sắc tuyệt vời nơi đây: những đồi cọ trập trùng xanh ngút ngàn, những ngôi nhà lợp lá cọ thơ mộng dựa lưng vào triền núi. Ở đó có các bà các mẹ đội nón lá cọ và những bạn nhỏ dùng chổi cọ chăm chỉ quét nhà, quét sân…

Rừng cọ thơ mộng miền Trung du.
Rừng cọ thơ mộng miền Trung du.

Cây cọ có nhiều gai nên người dân thường dùng cù lèo (chiếc liềm buộc vào cây sào) để hái quả cọ. Hái cọ cũng phải có “nghề” để tránh quả cọ bị xây xát, sứt sẹo, giảm độ ngon.

Trái cọ là thứ quả dân dã phổ biến ở miền Trung du này. Kỷ niệm về cây cọ, trái cọ đậm sâu trong ký ức của người dân về một tuổi thơ nghèo khó. Những tán cọ luôn vươn lên như để xòe tay đón nắng, chở che người dân và đem đến các món ăn ngon trong đời sống ẩm thực bản địa. Cậu bạn hướng dẫn viên cho chuyến du lịch của tớ là người chính gốc “cọ”. Bạn ấy thuần thục tách đôi quả cọ to bằng ngón tay cái, vỏ màu xanh dương thẫm, rồi chỉ cho tớ rằng, lớp thịt bên trong chuyển sang màu vàng óng ánh như mỡ gà, đưa lên đầu lưỡi nhấm nháp thấy miếng thịt cọ có vị bùi bùi, beo béo mới là chuẩn ngon.

Sơ chế trước khi chế biến món bún.
Sơ chế trước khi chế biến món bún.

Bát bún hương vị khó quên

Bên cạnh cơm nắm lá cọ (cọ ỏm) và xôi cọ thì bún cọ chính là một món ăn đặc sắc làm từ trái cọ trứ danh. Cậu bạn dẫn tớ tới một quán ăn chuyên bán bún cọ tại ven hồ Văn Lang, thành phố Việt Trì. Không gian trang trí đặc trưng của “đất Tổ, vua Hùng” và niềm tự hào về sản vật quê hương.

Bát bún có sợi bún tinh chế từ thịt quả cọ thơm ngon.
Bát bún có sợi bún tinh chế từ thịt quả cọ thơm ngon.

Bát bún cọ bưng ra nóng hổi, vừa thổi vừa ăn xua tan đi cái giá lạnh của gió mùa đông bắc. Sợi bún có màu nâu tím, được tinh chế từ gạo và thịt quả cọ, có vị bùi bùi, ngậy ngậy và dai, khác hẳn với vị bún làm từ gạo. Mọc thịt nhân cọ cũng có hương vị đậm đà khác biệt. Chả mỡ chài nướng ăn không hề khô, mà thơm nức mùi gia vị bản địa. Sướng nhất là phần “topping” nhiều vô kể với sườn, chân giò, rau thập cẩm. Có cả rau tiến vua dai giòn sần sật nữa chứ. Và tất nhiên, không thể thiếu những miếng thịt cọ cùi dày, mềm như nhung khi tan trong miệng, xen lẫn vị ngậy, bùi, ngọt không thể cưỡng lại được. Gắp miếng bún cọ hương vị lạ miệng, kèm thêm miếng topping đậm đà, nếm một thìa nước dùng trong, vị thanh ngọt từ xương ống ninh quả thực là trải nghiệm ẩm thực độc đáo trên hành trình của tớ! Đảm bảo, bạn nào lỡ ăn, lỡ thích cọ thì nghiền cái hương vị này lắm! Đúng thật, tớ dân gốc vùng biển Quảng Ninh mà thử một lần là thích luôn đó.

Thu hoạch trái cọ.
Thu hoạch trái cọ.

“Đi một ngày đàng” mở mang được thật nhiều thứ! Và càng đi, tớ lại càng thêm yêu mến đất nước đẹp xinh, đậm đà bản sắc văn hóa của chúng mình! Cùng dõi theo những trang viết khám phá những vùng đất mới trên báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng để du hí muôn phương cùng nhau nhé!

Bài viết được đăng tải trên ấn phẩm Tết TNTP Chủ Nhật, số 16+20 năm 2024, mời các bạn độc giả mua báo đón đọc nhé!

Còn nhiều bài viết hay, hấp dẫn, các câu chuyện thú vị đang chờ đón bạn khám phá tại ấn phẩm TNTP Chủ nhật. Nếu bạn quan tâm có thể mua báo và đọc trực tuyến tại cửa hàng trực tuyến của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhé!

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Tới Phú Thọ nhớ ăn bún cọ tại chuyên mục Món ngon của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Món ngon khác